Chủ đầu tư thừa nhận `có sơ suất` trong nhiều gói thầu mua sắm phục vụ giáo dục tại quận Long Biên

Liên quan đến gói thầu số 2, 14, 25 về việc mua sắm, lắp đặt các trang thiết bị giảng dạy và học tập tại một số Trường ở quận Long Biên (Hà Nội), Đại diện chủ đầu tư thừa nhận có “sơ suất” ...

Nội dung “sơ suất” mà vị đại diện chủ đầu tư thừa nhận ở các gói thầu trên là việc nêu yêu cầu cụ thể về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa trong hồ sơ mời thầu (HSMT) đối với gói thầu mua sắm hàng hóa khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. (Điều này đã vi phạm Điểm i Khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013).

Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 25: Cung cấp, lắp đặt thiết bị CNTT thuộc dự án xây dựng Trường Tiểu học tại ô quy hoạch C.7/TH, phường Phúc Lợi, quận Long Biên do ông Nguyễn Huy Vinh – Giám đốc Ban QLDADTXD quận Long Biên ký.  
Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 25: Cung cấp, lắp đặt thiết bị CNTT thuộc dự án xây dựng Trường Tiểu học tại ô quy hoạch C.7/TH, phường Phúc Lợi, quận Long Biên do ông Nguyễn Huy Vinh – Giám đốc Ban QLDADTXD quận Long Biên ký.  

Cụ thể, tại buổi làm việc với phóng viên ngày 26/4, ông Nguyễn Huy Vinh – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng quận Long Biên, người ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu có thừa nhận đã để xảy ra “sơ suất” này .

Tại gói thầu số 14: Cung cấp lắp đặt thiết bị giảng dạy và học tập thuộc dự án: Xây dựng trường THCS Giang Biên tại ô quy hoạch C.6/THCS1, phường Giang Biên, quận Long Biên (Hà Nội), tại Mục II phòng truyền thống + Đoàn đội,  STT 10 yêu cầu: Thông số kỹ thuật Sanh Pan (Symbal) xuất xứ Đài Loan, chất liệu bằng đồng Victoria kích thước 14 inch, đường kính 35cm, bao gồm 2 lá đồng + 2 núm cao su. Trong HSMT không có cụm từ "hoặc tương đương".

Tương tự gói thầu số 25 về "Cung cấp lắp đặt thiết bị CNTT thuộc dự án xây dựng Trường Tiểu học tại ô quy hoạch C.7/TH, phường Phúc Lợi quận Long Biên", HSMT yêu cầu: Mục IV Phòng ngoại ngữ 1 (Màn hình tương tác + Phần mềm thông số kỹ thuật cơ bản). Kích thước hiển thị của màn hình: 75 inch, kích thước đóng gói 1930 x 1140 x 280mm, kích thước thiết bị 1710 x 1020 x 90mm) công nghệ Mỹ, xuất xứ Trung Quốc. Trong HSMT cũng không có cụm từ "hoặc tương đương".

Gói thầu số 25 HSMT yêu cầu: Màn hình tương tác + phần mềm thông số kỹ thuật cơ bản,.... xuất xứ Trung Quốc, công nghệ Mỹ,..  
Gói thầu số 25 HSMT yêu cầu: Màn hình tương tác + phần mềm thông số kỹ thuật cơ bản,.... xuất xứ Trung Quốc, công nghệ Mỹ,..  

Riêng gói thầu số 2:  "Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ cho công tác dạy và học các Trường Mầm non, Tiều học, THCS năm học 2020". HSMT có cụm từ “hoặc tương đương” phía sau. Do đó theo ông Nguyễn Việt Hùng gói thầu này đảm bảo đúng với Luật đấu thầu?-

Theo ông Nguyễn Huy Vinh, sau khi phát hiện, Ban đã cho kiểm điểm Phó giám đốc, đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu (Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Việt), đơn vị tư vấn thẩm định hồ sơ mời thầu (Công ty cổ phần tư vấn xây dựng và quản lý dự án Lâm Giang) và các cán bộ có liên quan. Đồng thời yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Việt gọi tắt là Công ty Nhật Việt, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng và quản lý dự án Lâm Giang (Công ty Lâm Giang) làm báo cáo giải trình.

Tại Công văn báo cáo giải trình số 0321a/CV-Javico của Công ty Nhật Việt do ông Phạm Như Tùng – Giám đốc Công ty ký và Công văn số 04a/CV/LG của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng và quản lý dự án Lâm Giang do ông Phạm Hữu Như – Giám đốc Công ty ký  gói thầu số 25, các đơn vị này thừa nhận trong quá trình lập HSMT, đánh giá HSDT; công tác thẩm định HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu, soạn thảo, thẩm định, kiểm tra đã “sơ suất” bỏ sót nội dung.

Chủ đầu tư thừa nhận `có sơ suất` trong nhiều gói thầu mua sắm phục vụ giáo dục tại quận Long Biên - Ảnh 1

Công văn báo cáo giải trình số 0321a/CV-Javico của Công ty Nhật Việt do ông Phạm Như Tùng – Giám đốc Công ty ký và Công văn số 04a/CV/LG của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng và quản lý dự án Lâm Giang do ông Phạm Hữu Như – Giám đốc Công ty ký ngày 13/3/2021 thừa nhận để xảy ra “sơ suất” vi phạm điều cấm của Luật Đấu thầu.

Được biết, cả 3 gói thầu trên chỉ có 01 đơn vị tham gia dự thầu và trúng thầu là  Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật NIC.

Liên quan tới vấn đề này Ông Nguyễn Thanh Hải, Công ty Luật An Hoàng Gia, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội chia sẻ quan điểm như sau:

Đối với hình thức đấu thầu theo hình thức gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, pháp luật qui định như sau:

Căn cứ Điểm i, Khoản 6 Điều 89 Luật đấu thầu 2013 thì việc “Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế” là hành vi bị cấm.

Ngoài ra Khoản 7 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP về lập hồ sơ mời thầu có quy định:

“Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Chỉ yêu cầu nhà thầu nộp Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác trong trường hợp hàng hóa là đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế”.

Theo đó trường hợp không mô tả chi tiết được theo những đặc tính mang tính kỹ thuật, công nghệ thì được nêu nhãn hiệu của một sản phẩm tương đương để tham khảo nhằm tạo thuận lợi cho nhà thầu, nhà đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu.

Như vậy, quy định chung đều cấm việc nêu yêu cầu về xuất xứ nhãn hàng hóa,

Cũng theo Luật sư Hải, căn cứ pháp lý: Khoản 1, 2 Điều 121; Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP; Điểm c,khoản 3, điều 19, Mục 3 chương II của Nghị định 50/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư.

“Điều 19: Vi phạm các quy định về hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

c) Nêu các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra cạnh tranh không bình đẳng;”

“Điều 122. Hình thức cấm tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu

3. Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 01 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các Khoản 6 và 7 Điều 89 của Luật Đấu thầu;”

Do vậy, nếu xảy ra sai phạm thì người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định như trên.

Đề nghị Chủ tịch UBND quận Long Biên kiểm tra và làm rõ trách nhiệm những cá nhân, tổ chức có liên quan tới việc để xảy ra “sơ suất” tại các gói thầu trên.

 

Thanh Vân

Doanh nhân Việt Nam
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục