Chủ đầu tư Lancaster Nam Ô Resort & Spa lỗ gần 95 tỷ đồng năm 2022

Với kết quả kinh doanh kém sáng, công ty ghi nhận hơn 1.472 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó có hơn 1.200 tỷ đồng là dư nợ trái phiếu đang lưu hành trên thị trường.

CTCP Trung Thuỷ - Đà Nẵng mới đây đã có thông báo gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu của công ty về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2022 vừa qua.

Cụ thể, vốn chủ sở hữu của Trung Thuỷ - Đà Nẵng giảm 13% so với cuối năm 2021 về mức 640 tỷ đồng và công ty báo lỗ gần 95 tỷ đồng trong năm 2022.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 2,3, đồng nghĩa với nợ phải trả của công ty đang ở mức 1.472 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu ở mức 1.299 tỷ đồng, hệ số dư nợ trái phiếu cao gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu.

Công ty hiện có duy nhất một lô trái phiếu TDNCH2225001 tổng trị giá 1.300 tỷ đồng đang lưu hành trên thị trường phát hành ngày 14/1/2022 với kỳ hạn 42 tháng, sẽ đáo hạn vào ngày 14/7/2025.

Kỳ hạn trả lãi của lô trái phiếu là 6 tháng/lần, công ty đã tiến hành mua lại 7,1 tỷ đồng, hiện vẫn còn hơn 1.200 tỷ đồng đang lưu hành trên thị trường.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, CTCP Trung Thuỷ - Đà Nẵng thuộc Tập đoàn Trung Thuỷ (hay TTG Holding), đây là doanh nghiệp sở hữu Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Địa điểm dự kiến xây dựng Khu du lịch sinh thái Nam Ô.

Địa điểm dự kiến xây dựng Khu du lịch sinh thái Nam Ô.

Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (hay còn có tên thương mại là Lancaster Nam Ô Resort & Spa) được phê duyệt quy hoạch từ năm 2008 trên diện tích hơn 43,2 ha.

Năm 2010, thành phố đồng ý chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ CTCP Thương mại Du lịch Đầu tư Cù Lao Chàm sang CTCP Tập đoàn Trung Thủy (sau này là TTG Holding) với tổng mức đầu tư của dự án này lên đến 3.300 tỷ đồng (sau điều chỉnh).

Tới tháng 10/2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho CTCP Trung Thủy Đà Nẵng với vốn điều lệ 6 tỷ đồng.

Tới năm 2018, dự án bị người dân khu vực bãi biển Nam Ô (chủ yếu làm nghề đánh bắt cá và làm nước mắm) phản đối vì bít lối đi xuống biển. Từ đó đến nay, doanh nghiệp và thành phố đã có những thỏa thuận điều chỉnh dự án để cuối cùng có được sự phê duyệt cuối cùng để công ty có thể triển khai dự án từ năm 2020.

Tuy nhiên, dự án này từng vướng một số lùm xùm về xây dựng trái phép một số công trình trong quá khứ, đến nay vẫn chưa hoàn thành và vẫn tiếp tục được “đắp chiếu” sau hơn một thập kỷ chờ đợi.

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục