Cho vay không thế chấp, vực dậy niềm tin thị trường

Ngân hàng cho vay đòi phải có tài sản thế chấp, trong khi DN hầu như không còn tài sản thế chấp. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải thành lập Quỹ phòng ngừa rủi ro để ngân hàng yên tâm bơm vốn.

Vấn đề lo ngại nhất của ngân hàng thương mại (NHTM) khi cho vay là rủi ro nợ xấu luôn có khả năng xảy ra, nhất là trong thời kỳ mà nợ xấu của các ngân hàng đang ở mức báo động.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) khát vốn nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận được nguồn vốn cho vay của các NHTM, ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp và hơn nữa là ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Theo ông Quách Hùng Hiệp, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, năm 2013 và đầu năm 2014, vốn hầu như không bơm ra được nền kinh tế.

“Chúng tôi mong tiêu thụ được vốn, vì huy động rồi mà không cho vay được, thì ngân hàng cũng rất sốt ruột”.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng khẳng định, mặc dù lãi suất cho vay hiện nay chỉ 5 - 7%/năm (ngắn hạn), nhưng rất khó tìm được DN đủ điều kiện để cho vay.

Cho vay không thế chấp, vực dậy niềm tin thị trường - Ảnh 1

Tuy nhiên, thông tin từ phía DN lại cho thấy, tín dụng đóng băng không chỉ do cầu yếu. Trên thực tế, nhu cầu vốn của khối DN vẫn còn rất lớn, song điều kiện cho vay quá chặt, khiến nhiều DN không thể vay vốn ngân hàng.

Các doanh nghiệp khi vay vốn các NHTM thường thiếu TSBĐ theo quy định, nguyên nhân có nhiều lý do, nhưng nhìn chung như sau:

- Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thì cao và tài sản cố định của doanh nghiệp thực tế trên báo cáo tài chính cũng cao, nhưng giấy phép về quyền sử dụng và quyền sở hữu thì không có hoặc có không đầy đủ theo quy định hiện hành nên không thế chấp để vay vốn được. Việc không có giấy phép về quyền sử dụng và quyền sở hữu thì có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do chi phí cho việc có được giấy phép quyền sử dụng và quyền sở hữu lớn, thủ tục hành chính rườm rà,... cũng là một trở ngại cho doanh nghiệp.

- Khi vay vốn NHTM các doanh nghiệp luôn bảo đảm với ngân hàng dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả nhưng chỉ thiếu TSBĐ của doanh nghiệp. Các NHTM đề nghị TSBĐ của bên thứ ba thì đại diện doanh nghiệp hoặc người có liên quan đến doanh nghiệp không đồng ý đưa tài sản thuộc quyền sử dụng và quyền sở hữu của mình dù rằng luôn khẳng định dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp cũng phải xem lại.

Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế hiện nay, thiết nghĩ lĩnh vực kinh doanh nào cũng gặp rủi ro thị trường đầu ra nên để đảm bảo hoàn vốn cho các NHTM thì việc các NHTM yêu cầu có TSBĐ là hoàn toàn có cơ sở.

- Trường hợp đặc thù đối với dự án bất động sản (BĐS), dự án BĐS được chủ đầu tư thế chấp để vay vốn tại các NHTM, sau đó lại được chính NHTM đó hoặc NHTM khác cho vay để khách hàng mua các căn hộ của chính dự án BĐS đó. Rủi ro từ việc cho vay mà TSBĐ là dự án BĐS sẽ rất lớn, bởi NHTM đã hai lần giải ngân cho hai khoản vay khác nhau mà chỉ có một TSBĐ. Đây cũng là một rủi ro về TSBĐ cho các NHTM khi cho vay mà doanh nghiệp cần quan tâm tránh, mà nhất là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực BĐS.

Không chỉ khó tiếp cận vốn, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội DN nữ Hà Nội cho hay, theo phản ánh của các hội viên, lãi suất thực tế mà họ đang vay ngân hàng vẫn rất cao, có những DN phải vay với lãi suất 14 - 15%/năm.

Cũng theo bà Hương, hiện nay, rất nhiều DN có nhu cầu vay vốn, nhưng lại không còn tài sản thế chấp. Vì vậy, bà Hương đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho các DN được vay vốn bằng bảo lãnh hợp đồng hoặc thế chấp bằng hàng hóa.

“Không nên vì một DN dùng một kho hàng để thế chấp tại 7 ngân hàng mà đóng cửa với các DN còn lại. Nhiều thành viên của chúng tôi, mặc dù có nhiều đơn hàng, nhiều hợp đồng và có hàng hoá, nhưng không vay được vốn ngân hàng”, bà Hương nói.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, cách cho vay dựa trên tài sản thế chấp khiến hệ thống ngân hàng Việt Nam không khác gì “tiệm cầm đồ”.

“Nhiều ngân hàng cứ có tài sản thế chấp là giải ngân, mà không biết dòng tiền được sử dụng vào mục đích gì. Trong khi ở các nước tiên tiến, việc giải ngân dựa trên tính khả thi của dự án, vốn giải ngân đến đâu ngân hàng giám sát đến đó, DN phải xuất trình hóa đơn, hợp đồng thì ngân hàng mới rót vốn”, ông Thành nói.

Thừa nhận tình trạng cho vay vẫn dựa chủ yếu vào tài sản thế chấp, song lãnh đạo một ngân hàng giải thích, với cơ chế vay hiện nay, ngân hàng chưa giám sát được dòng tiền, nên không dám cho vay dựa vào hợp đồng.

Tuy vậy, để thúc đẩy tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho hay, cơ quan này đang đẩy nhanh hình thức cho vay dựa trên mô hình, dựa vào hợp đồng, mà không cần tài sản thế chấp, như cho vay mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi khép kín, tín dụng 4 nhà.

Cuối tuần qua, Hà Nội cũng đã chính thức triển khai chương trình kết nối ngân hàng – DN. Ngay trong đợt 1 của chương trình, đã có 11 ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia, với vốn cam kết rót cho DN đạt 11.297,6 tỷ đồng. Tham gia chương trình, không những khách hàng được hưởng lãi suất thấp, mà nhiều DN thiếu tài sản thế chấp cũng được ngân hàng chấp nhận.

Những chương trình thí điểm vay vốn không cần dựa vào tài sản thế chấp như trên, nếu thành công, sẽ là cơ sở để vực dậy niềm tin thị trường, giúp tín dụng có thể tăng tốc trong thời gian tới.

N.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục