Hầu hết các chủ doanh nghiệp và thậm chí một số chuyên gia cho rằng cách cho vay dựa trên tài sản thế chấp khiến hệ thống ngân hàng Việt Nam không khác gì “tiệm cầm đồ”.
“Nhiều ngân hàng cứ có tài sản thế chấp là giải ngân, mà không biết dòng tiền được sử dụng vào mục đích gì. Trong khi ở các nước tiên tiến, việc giải ngân dựa trên tính khả thi của dự án, vốn giải ngân đến đâu ngân hàng giám sát đến đó, DN phải xuất trình hóa đơn, hợp đồng thì ngân hàng mới rót vốn”, một chuyên gia nhận định.
Tuy vậy, để thúc đẩy tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho hay, cơ quan này đang đẩy nhanh hình thức cho vay dựa trên mô hình, dựa vào hợp đồng, mà không cần tài sản thế chấp, như cho vay mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi khép kín, tín dụng 4 nhà.
Hiện nay một số ngân hàng cũng đã áp dụng hình thức cho vay tín chấp, nhưng cũng cần đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Ví dụ như ABBank chỉ áp dụng cho các cá nhân đang làm việc tại công ty nước ngoài, liên doanh, công ty cổ phần đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, với thời gian làm việc ít nhất một năm và thu nhập 5 triệu đồng trở lên mỗi tháng. Mức vay gấp 10 lần thu nhập ròng hàng tháng, tối đa 200 triệu đồng, thời gian vay 12 - 60 tháng.
Nếu để phục vụ kinh doanh thì hiện ABBank có sản phẩm “Cho vay sản xuất kinh doanh”. Khách hàng có thể vay tối đa 5 tỷ đồng (với ngành nghề cần giấy phép kinh doanh) hoặc tối đa 500 triệu đồng (ngành nghề không cần đăng ký giấy phép kinh doanh).
Hoặc theo Phó tổng giám đốc ACB, ông Nguyễn Thanh Toại, hiện ACB vẫn cho DN vay thế chấp bằng dòng tiền, cho vay theo hợp đồng cung ứng. Tuy nhiên, đối với DN muốn được vay vốn bằng dự án/phương án sản xuất kinh doanh thì ngân hàng phải căn cứ vào phương án bao tiêu (đầu ra).
Nếu DN tốt thì vẫn có thể vay được nhưng nếu quá rủi ro thì ngân hàng cũng phải cân nhắc.
Tuy nhiên nhìn chung, DN vẫn rất khó có thể vay tín chấp của ngân hàng.
DN không dễ gì có thể vay vốn bằng dự án hay phương án sản xuất kinh doanh. Nếu DN có đưa dự án/phương án sản xuất kinh doanh đẹp, mang cả đơn hàng, khách hàng đối tác, tính được chi phí, lợi nhuận… trình bày cho ngân hàng nhưng ngân hàng nói nếu lỗ xảy ra thì ai chịu, lấy gì ra đảm bảo…?
Vấn đề khó cho vay bằng dự án cũng do ảnh hưởng trước kia nhiều ngân hàng cho vay dính dự án “ma”, cái lệ này khiến những DN làm ăn đoàng hoàng bị dính lây.
Theo một số lãnh đạo ngân hàng, vấn đề là DN không chịu xây dựng thương hiệu, quản lý cũng không hiệu quả, không tôn trọng luật chơi. Nhiều DN coi tiền vay như tiền của mình, muốn xài gì thì xài nên ngân hàng e dè.
Vấn đề ở đây là làm sao nâng cao trách nhiệm mỗi bên cả ngân hàng và DN. Vì trong thời buổi công nghệ phát triền thì việc kiểm tra thông tin về loại máy móc đó rất dễ, chỉ cần gọi đến nơi sản xuất máy móc đó hoặc xem trên mạng là có thông tin đầy đủ. Nên không có việc kê giá lên để được vay nhiều.
Vì thế, cán bộ ngân hàng cũng phải nâng cao trình độ và nghiệp vụ của mình trong vấn đề thẩm định khách hàng, dự án, máy móc chứ không thể dựa vào nguyên lý cứ phải có tài sản thế chấp là bất động sản mới cho vay. “Nhiều khi cán bộ tín dụng ngân hàng chỉ cần nắm tài sản thế chấp là yên tâm, chẳng cần biết dự án đó là gì.”
Ngược lại một cán bộ tín dụng của ngân hàng cho rằng, khả năng lập dự án của DN rất kém, vì DN là người trực tiếp sản xuất và nắm bắt thị trường mà không thuyết phục được thì làm sao chúng tôi tin mà cho vay?
Tóm lại, hình thức cho vay không thế chấp nếu muốn được áp dụng rộng rãi đòi hỏi cả ngân hàng và doanh nghiệp đều phải nỗ lực, nhất là đào tạo đội ngũ chuyên môn đủ bản lĩnh và khả năng, để có thể ngồi lại với nhau cùng bàn bạc, để có thể gỡ khó trong vay vốn.
P.N.(Tổng hợp)