Chính quyền Biden thừa nhận trừng phạt Venezuela "thất bại", vì sao vẫn "cố đấm ăn xôi"?

Mặc dù thừa nhận trừng phạt thất bại, nhưng chính quyền Tổng thống Biden vẫn dự định tiếp tục gia tăng sức ép lên Venezuela.

Mặc dù thừa nhận trừng phạt thất bại, nhưng chính quyền Tổng thống Biden vẫn dự định tiếp tục gia tăng sức ép lên Venezuela.

Chính quyền Biden thừa nhận trừng phạt Venezuela "thất bại", vì sao vẫn "cố đấm ăn xôi"? - Ảnh 1

Chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ tạm thời đối với hàng ngàn người di cư Venezuela đang sống ở Mỹ, đồng thời cam kết sẽ tăng cường áp lực đối với Caracas dù thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt của Washington không thể lật đổ chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, hãng RT (Nga) đưa tin.

Cụ thể, hôm 8/3 vừa qua, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) vừa công bố quyết định về "Tình trạng Bảo vệ Tạm thời" đối với Venezuela, qua đó cho phép khoảng khoảng 320.000 người nhập cư Venezuela đủ điều kiện ở lại Mỹ thêm 18 tháng, viện dẫn những điều kiện "bât thường" ở quốc gia Mỹ Latinh cản trở công dân trở về nước.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, ông Alejandro Mayorkas, cho biết: "Điều kiện sống ở Venezuela đã cho thấy đất nước này đang trong tình trạng hỗn loạn và không thể bảo vệ công dân của mình. Tạm thời, trong những hoàn cảnh bất thường như vậy, Washington sẽ cung cấp hỗ trợ cho các công dân Venezuela đủ điều kiện đã sang đến đất Mỹ - trong thời gian quê hương của họ tìm cách thoát khỏi các cuộc khủng hoảng hiện tại."

Người nhập cư sẽ có 180 ngày để nộp đơn đăng ký hưởng quyền lợi bảo vệ, và chính quyền sở tại sẽ yêu cầu kiểm tra lý lịch và nộp một số khoản phí - bao gồm khoản 410 USD đối với những người muốn xin giấy phép làm việc, 50 USD tiền phí đăng ký và 85 USD tiền phí sinh trắc học. Họ cũng phải cung cấp cho chính quyền sở tại các bằng chứng chứng minh mình đã nhập cư vào Mỹ trước khi quyết định ngày 8/3 được ban bố.

Được biết, trạng thái bảo vệ này không phải là vĩnh viễn, nhưng có thể được gia hạn sau khoảng thời gian 18 tháng đầu tiên.

Chính quyền Biden "tiếp quản" chính sách của người tiền nhiệm

Động thái trên đã diễn ra sau khi cựu Tổng thống Donald Trump trì hoãn việc trục xuất những người nhập cư Venezuela vào ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, cho phép họ tiếp tục cư trú tại Mỹ trong 18 tháng. Hôm 8/3, Tổng thống Biden đã tái khởi động chiếc đồng hồ đếm ngược, một lần nữa trì hoãn việc trục xuất trong vòng 18 tháng và cung cấp cho họ trạng thái bảo vệ chính thức.

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, hơn 5,4 triệu người đã rời Venezuela trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, lạm phát trầm trọng và bất ổn chính trị, trong khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh và các lệnh trừng phạt của quốc tế ngày càng khắc nghiệt khiến những vấn đề ngày càng thêm tồi tệ hơn.

Chính quyền Biden thừa nhận trừng phạt Venezuela "thất bại", vì sao vẫn "cố đấm ăn xôi"? - Ảnh 2

Người di cư Venezuela vượt biên trái phép. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden tiết lộ với các phóng viên rằng Washington "không vội vàng" dỡ bỏ loạt biện pháp trừng phạt đang được áp đặt lên Venezuela, ngay cả khi họ thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt này đã thất bại vì không thể khiến ông Maduro rời khỏi chiếc ghế tổng thống.

Dưới thời cựu Tổng thống Trump, các đòn trừng phạt và cấm vận nhằm vào Caracas đã được gia tăng và mở rộng rất nhiều.

Quan chức này cho biết: "Chúng tôi phải thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương trong 4 năm qua đã thất bại trong việc đạt được một kết quả bầu cử ở [Venezuela]", đồng thời quan chức này cũng nói thêm rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục "hành động phối hợp" với Liên minh châu Âu (EU), với bạn bè và đồng minh ở Mỹ Latinh và Caribbean nhằm "gia tăng áp lực" đối với Caracas.

Trong khi quan chức này lập luận rằng chính phủ Venezuela đã "thích nghi" với các lệnh trừng phạt, một báo cáo hồi tháng trước của Liên Hợp Quốc cho thấy người dân Venezuela liên tục phải chịu đựng các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế, đồng thời cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt này đang đổ thêm dầu vào các "thảm họa kinh tế và nhân đạo".

Theo đó, các lệnh trừng phạt đã dẫn đến tình trạng thiếu nước, thuốc men, nhiên liệu, điện và thực phẩm, gây ra "khủng hoảng đói" và khiến khoảng 2,5 triệu người Venezuela phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực "nghiêm trọng".

Sau khi tiếp quản chính quyền từ người tiền nhiệm, tân Tổng thống Biden và các quan chức đã tuyên bố tiếp tục gây sức ép lên Venezuela và công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là "tổng thống lâm thời" của quốc gia Mỹ Latinh này. Chính sách này được chính quyền cựu Tổng thống Trump công bố lần đầu vào năm 2019 và được một loạt các đồng minh của Mỹ ủng hộ. Ông Trump cũng từng lên tiếng ủng hộ âm mưu đảo chính của phe đối lập Venezuela, nhưng cuối cùng âm mưu này đã thất bại sau hơn 24 giờ.

Tuần trước, trong cuộc điện đàm đầu tiên với ông Guaido, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang chuẩn bị "gia tăng sức ép đa phương" trên toàn cầu đối với Tổng thống Maduro và sẽ tiếp tục "thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân chủ, hòa bình" ở Venezuela./.

(Theo RT)

Hồng Anh

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục