Tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2020, tháng có Tết Nguyên đán Canh Tý, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có tình hình Tết, Chính phủ sẽ nghe báo cáo của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch nCoV; nghe Bộ KH&ĐT trình bày báo cáo cập nhật kịch bản tăng trưởng, đề xuất các giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tác động của dịch nCoV. Một số Bộ gồm: Công Thương, NN&PTNT, GTVT, VHTT&DL, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo đánh giá tác động của dịch nCoV đối với ngành, lĩnh vực.
Chính phủ cũng sẽ nghe, cho ý kiến đối với các báo cáo về đề nghị xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động, đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự án Luật Biên phòng Việt Nam, về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2020 tiếp tục ổn định, mặc dù có nhiều chỉ số giảm vì tháng 1/2020 trùng với Tết Nguyên đán Canh Tý (chỉ có 18 ngày làm việc trong tháng 1/2020). Trong đó, nông nghiệp phát triển ổn định; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng 76,8%, cao nhất trong 4 năm qua. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán.
Hoạt động vận tải tăng cao so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết tăng mạnh (vận tải hành khách tăng 15,1%; hàng hóa tăng 10,7%). Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay. Tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí.
PMI ngành sản xuất của Việt Nam tháng 1/2020 đạt 50,6 điểm, thể hiện sự cải thiện nhỏ về các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, số lượng đặt hàng mới tiếp tục tăng; tuy nhiên đây là điểm thấp nhất trong 6 năm qua. Chỉ số này vẫn cao hơn chỉ số PMI ASEAN chỉ đạt 49,8 điểm (cao hơn tháng 11/2019 0,1 điểm); báo hiệu sức khỏe của lĩnh vực sản xuất trong ASEAN tiếp tục suy giảm.
Mới bước vào năm 2020, nhưng đất nước chúng ta đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp; dịch tả lợn châu Phi chưa xử lý dứt điểm. Dịch nCoV diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế - xã hội.
Tại phiên họp, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế với mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Theo Đức Tuân/Chinhphu