Đồng thời lưu ý lãnh đạo tỉnh Bình Dương muốn tiếp tục thanh, kiểm tra theo thẩm quyền thì phải căn cứ vào Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh, ứng phó với Covid-19 (Chỉ thị số 11). Điều đó cho thấy, Chính phủ đã và đang rất quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
Giờ này, chắc ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit cùng hàng ngàn cán bộ, công nhân viên của Vinamit có thể thở phào nhẹ nhõm sau nhiều tháng trời “căng não” vì thanh tra và những phức tạp khác liên tiếp ập tới trước, trong và sau Covid-19. Bởi ngay khi công luận lên tiếng về việc thanh, kiểm tra bất thường của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương với Vinamit, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức chỉ đạo Bộ Nội vụ lập đoàn thanh, kiểm tra làm rõ.
Và ngay sau khi Bộ Nội vụ có báo cáo, Thủ tướng đã chấp thuận đề xuất yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tạm dừng thanh tra Vinamit do sai mục đích, sai đối tượng.
Điểm đáng lưu ý nhất là đề xuất của Bộ Nội vụ được Thủ tướng chấp thuận đặc biệt lưu ý địa phương muốn tiếp tục thanh tra theo thẩm quyền thì phải căn cứ vào Chỉ thị số 11. Như vậy, người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện quan điểm chỉ đạo rất rõ ràng, quyết liệt về việc giúp doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19.
Là cộng đồng đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, song hàng ngàn doanh nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19. Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm của các cơ quan chức năng cho thấy, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.200 doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 19.600; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 7.400...
Thực trạng trên khiến thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 21,5%; từ khu vực doanh nghiệp FDI giảm 6,3%; từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 15% so với cùng kỳ 2019.
Doanh nghiệp gặp khó khăn không chỉ khiến nguồn thu ngân sách bị sụt giảm, mà còn tác động tới an sinh xã hội khi có khoảng 1,2 triệu lao động thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm, cao gấp 1,14 lần so với cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy, Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ là giải pháp chiến lược hỗ trợ không chỉ riêng doanh nghiệp, mà còn góp phẩn đảm bảo an sinh xã hội.
Nhưng cho dù Trung ương có muốn thì cũng không thể sâu sát doanh nghiệp bằng địa phương chủ quản. Đúng như lời bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, ngay cả những doanh nghiệp dù ít bị tác động bởi Covid, song nếu địa phương không hài lòng là doanh nghiệp đóng trên địa bàn sẽ… rất mệt.
Covid-19 còn khiến doanh nghiệp lao đao. Địa phương nào hiểu thấu, thực lòng lo lắng, chia sẻ khó khăn thì đó quả là điều may mắn với doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Khi thị trường ách tắc, trăm ngàn khó bủa vây đầy bất định, mà doanh nghiệp còn phải chịu đựng cách hành xử “khó dễ” từ quản lý nhà nước, thì chắc chắn, áp lực với họ sẽ tăng lên nhiều lần. Lúc này, doanh nghiệp càng cần tới sự hỗ trợ của chính quyền sở tại.
Trên bình diện khác, một doanh nghiệp thường mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của mới gây dựng vị thế. Cho nên, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng ý thức việc “ăn cây nào rào cây đó”, muốn làm ăn ổn định, lâu dài ắt phải góp sức vào sự phát triển chung của địa phương. Do vậy, nếu không hỗ trợ được doanh nghiệp, thì chính quyền địa phương sở tại cũng đừng để doanh nghiệp bị phiền nhiễu thêm. Đó cũng là cách đồng hành với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Theo Ngô Sơn/baodautu.vn