Chiêu thức “lùa gà” nhà đầu tư F0 mua trái phiếu

Đánh trúng vào tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kiến thức nhưng kỳ vọng lãi suất cao, môi giới lợi dụng chiêu trò quảng cáo, niềm tin của người quen để bán trái phiếu.

Chiêu thức “lùa gà” nhà đầu tư F0 mua trái phiếu - Ảnh 1

Đánh trúng vào tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kiến thức nhưng kỳ vọng lãi suất cao, môi giới lợi dụng chiêu trò quảng cáo, niềm tin của người quen để bán trái phiếu.

Mất ăn mất ngủ vì trái phiếu

Những ngày đầu tháng 4/2022, thông tin chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt đã gây xôn xao dư luận, cùng với đó những nhà đầu tư trái phiếu của Tập đoàn này rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, tiền bỏ vào đầu tư không rút về được chỉ còn biết kéo đến trụ sở tập đoàn để mong có câu trả lời thỏa đáng. Thế nhưng, ngay cả nhân viên tại tập đoàn cũng chỉ nói là “chờ” và không biết sẽ phải chờ đến bao giờ.

Xen lẫn trong đám đông tập trung tại trụ sở tập đoàn để yêu cầu Tân Hoàng Minh trả tiền, chị Thanh Thùy (SN 1986, Hà Nội) thở dài, bởi chị đã quá mệt mỏi, mất ngủ triền miên kể từ khi biết rằng số tiền mình bỏ vào mua trái phiếu hiện khó có thể rút về.

Con đường bước chân vào đầu tư trái phiếu của chị Thùy bắt đầu cách đây hơn một năm. Vốn chỉ quen đầu tư bất động sản qua môi giới, chị Thùy được chính môi giới này quảng cáo, chào mời mua trái phiếu với lãi suất hấp dẫn sau khi vừa “chốt lời” một lô đất.

Biết bán đất có tiền, nên người môi giới đã chủ động mời chào tham gia đầu tư, chị Thùy nói: “Trước người này môi giới bất động sản nên có danh sách rất nhiều khách hàng đã từng nhờ mua bán bất động sản. Nhân dịp này, môi giới chào mời hết mọi người gửi tiền vào, bám dai lắm, mời chào mình suốt từ trong năm đến bây giờ”.

Ngày nào chị Thùy cũng nhận được tin nhắn từ người môi giới, với những lời hứa hẹn lãi suất cao, gửi vào một tháng muốn rút về luôn cũng được. Khi được tư vấn cách thức gửi như tiết kiệm ngân hàng cộng với khoản tiền 800 triệu đồng đang nhàn rỗi, chị quyết định đầu tư trái phiếu trong một tháng từ 16/3/2022. Thế nhưng, tiền lãi cao đâu không thấy mà giờ đây chị lại phải mệt mỏi, chạy khắp nơi hỏi thủ tục mong lấy lại được chút ít đồng vốn mình bỏ ra.

“Khi mời đầu tư thì khẳng định “chị cứ gửi một tháng đi, nếu chị có việc gì cần thì chị rút ra luôn cũng được”,  nhưng đến lúc có sự việc xảy ra tôi hỏi rút ra bây giờ luôn đi thì người đó lại nói “phải chờ 15 ngày sau mới được rút””, chị Thùy bức xúc kể lại.

Nhà đầu tư ân hận vì không tìm hiểu kỹ trước khi mua trái phiếu.

Nhà đầu tư ân hận vì không tìm hiểu kỹ trước khi mua trái phiếu.

Kể từ khi vụ việc Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị khởi tố, bắt giam, chị Thùy mới biết là mình mua trái phiếu chứ không phải gửi ngân hàng như người môi giới đã nói: “Người đó nói gửi như kiểu mình gửi ngân hàng, nhận lãi chứ không hề nói là mua trái phiếu, đến 5 ngày sau mang hợp đồng đến thì tôi mới biết là mình đang mua trái phiếu. Tỏ ra lo lắng, hoài nghi thì nhân viên trấn an, đưa cả số tài khoản tập đoàn, có tin nhắn xác minh…”.

Những ngày này, chồng chị Thùy đã biết chuyện, mâu thuẫn gia đình thường xuyên xảy ra, vừa chưa đòi được tiền, gia đình lại lục đục khiến chị Thùy suy sụp. Chị cũng vẫn nói chuyện được với người môi giới nhưng những gì mà người này hứa trước kia thì giờ chỉ là xin lỗi, chờ đợi…

Không khá khẩm hơn chị Thùy là mấy, Nguyễn Minh (20 tuổi, Hà Nội) cũng thất thần, mệt mỏi và lo lắng suốt tuần qua.

Tin theo những quảng cáo trên Facebook, thông qua Internet tìm hiểu về hoạt động của một doanh nghiệp bất động sản có tiếng tăm nên đã quyết định rủ người thân cùng gom tiền vào mua trái phiếu do doanh nghiệp này phát hành. Số tiền gom được từ người nhà lên đến gần 2 tỷ đồng, Minh mua lô trái phiếu do thành viên của Tân Hoàng Minh phát hành với thời hạn 1 năm cùng mức lãi suất 11,5%/năm. Vui vẻ vì nghĩ đầu tư được một món hời vì cao hơn hẳn lãi suất ngân hàng, ai ngờ lô trái phiếu bị hủy,  thông tin doanh nghiệp sai phạm tràn lan trên mạng, lúc này Minh cùng gia đình mới tá hỏa.

Giờ đây các nhà đầu tư mới mòn mỏi làm đơn cầu cứu khắp nơi.

Giờ đây các nhà đầu tư mới mòn mỏi làm đơn cầu cứu khắp nơi.

Khác với chị Thùy, Minh tuy còn trẻ nhưng thể hiện là một nhà đầu tư sành sỏi, Minh cho biết mình có tìm hiểu về trái phiếu và trước đó cũng đã đầu tư trái phiếu của một số doanh nghiệp.

“Tôi xem trên Facebook thấy quảng cáo doanh nghiệp bán trái phiếu, sau khi chat qua tin nhắn, tôi được một người tự xưng là nhân viên sale của tập đoàn, nhân viên tư vấn về những tiềm năng của tập đoàn và giải thích là cho doanh nghiệp vay tiền đầu tư, khi triển khai dự án sẽ trả cả gốc và lãi.

Nghĩ dù sao tiền để ngân hàng lời lãi chẳng được bao nhiêu, nên tôi có nói với bố mẹ, anh chị trong nhà gom tiền để cho mình đứng tên ký hợp đồng mua lô trái phiếu. Nhưng, đến nay thì cả nhà mất ăn mất ngủ, đêm không tài nào ngủ được vì chẳng biết tiền của mình sẽ đi đâu về đâu”, Minh bộc bạch.

“Chỉ biết trách mình thôi…”

Tập trung hướng đến những người dùng mạng facebook, những “con mồi” đã nhanh chóng “ngửi” thấy mùi vị thơm ngon, béo bở bởi lời hứa của tập đoàn với bảng lãi suất hấp dẫn mà không cần tìm hiểu kỹ thông tin.

Trực tiếp được nhân viên sale quen qua mạng xã hội tư vấn, chị Trương Hồng Liên (30 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đã trở thành nhà đầu tư trái phiếu thành công.

“Bạn nhân viên tư vấn nói có các ngân hàng uy tín bảo lãnh, lãi suất đảm bảo với kỳ hạn 12 tháng là 12%, tham gia 3 tháng là 8%. Vì thấy đảm bảo nên tôi bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để mua”, chị Hồng Liên nói.

Chị Hồng Liên buồn bã kể về việc mình đầu tư trái phiếu.

Chị Hồng Liên buồn bã kể về việc mình đầu tư trái phiếu.

Là trụ cột kinh tế chính trong gia đình, nhiều năm lăn lộn trên thị trường với nghề môi giới bất động sản, chị Liên có khá nhiều kinh nghiệm cũng như hiểu biết về trái phiếu. Khi được nhân viên sale tư vấn hấp dẫn, chị đã quyết định bán căn nhà đang ở, dùng một nửa số tiền mua đất đầu tư và nửa còn lại đổ vào lô trái phiếu lãi suất cao.

Với hy vọng sẽ có cho mình một khoản tiền nhỏ để đầu tư tiếp sau này, cũng như có thêm thu nhập đều đặn từ khoản lãi suất hứa hẹn sẽ trả 3 tháng/lần, chị nghĩ đến viễn cảnh đứa con thơ bị bại não ở nhà sẽ có cuộc sống thoải mái hơn, hai mẹ con sẽ dư dả tiêu xài hơn trong tương lai.

Nhưng người tính không bằng trời tính, chị bàng hoàng khi nghe tin Chủ tịch Tập đoàn mình vừa “rót tiền” đầu tư bị bắt, toàn bộ lô trái phiếu mà chị vừa đem gần hết gia sản tích cóp cả đời để mua bị hủy bỏ.

Chị Liên chua xót: “Cả quãng đời làm lụng vất vả mới kiếm được chút tiền mua được căn nhà. Nghĩ rằng đây là một kênh đầu tư sinh lời nên tôi bán nhà đi để đầu tư, ai ngờ sự việc lại ra nông nỗi này. Con ở nhà còn mắc bệnh hiểm nghèo, chỉ mong kiếm được một khoản để có thể lo lắng cho gia đình, cuối cùng bây giờ thực sự là tôi trắng tay, không nhà, không tiền, không biết nên bấu víu vào đâu”.

Ngồi trên chiếc xe máy cà tàng, với bộ quần áo cũ kỹ, ông Thu (ngoài 50 tuổi, Hà Nội) cũng đang lo lắng chạy khắp nơi để hỏi xem làm cách nào lấy lại được tiền một cách nhanh nhất vì trót lỡ đầu tư mua trái phiếu.

Không am hiểu gì về hình thức trái phiếu nhưng thông qua một cô bạn thân, ông Thu được người quen giới thiệu  là nhân viên của tập đoàn giới thiệu về các gói gửi, lãi suất…

“Do cô bạn thân giới thiệu cũng yên tâm phần nào, lại thấy nhiều người gửi vào có lãi thì tôi cũng gửi theo chứ ai ngờ đâu cơ sự lại như thế này”, ông Thu nói.  Giờ sự việc xảy ra, số vốn ông huy động hơn 2 tỷ động từ người thân chưa biết làm sao để có thể đòi lại được.

“Đối với cô bạn thân giới thiệu thì cô ấy cũng chỉ nói rất tiếc thôi, chứ cũng chẳng bắt bẻ gì được, thấy tiền sinh lời ai chả ham, chỉ biết trách mình thôi”, ông Thu tự trách bản thân vì ham lời trước mắt, không tìm hiểu kỹ mà giờ vỡ mộng.

Tỏ rõ sự thất vọng, chị Luyến (35 tuổi, Hải Phòng) chia sẻ với Người Đưa Tin, chị được bạn thân giới thiệu mua số trái phiếu này, dù sao nhà cũng có khoản tiền nhàn rỗi để không, tin tưởng bạn bè nên chị quyết định xuống tiền ủng hộ bạn.

“Đây là bạn thân lâu năm, nghĩ bạn bè muốn giúp nhau cùng kiếm lợi nhuận, không ngờ chuyện lại vỡ lở ra như thế này, tôi bây giờ cũng chẳng biết làm sao để đòi lại được tiền. Liên lạc với bạn thì bạn bảo chờ, chứ giờ cũng chẳng có cách nào để giải quyết”, chị Luyến tự nói tự trách mình vì đã quá tin người.

Có thể thấy, nhìn vào những lời mời chào còn đẹp hơn tranh vẽ mà doanh nghiệp họa ra rằng “siêu lợi nhuận”, “lãi suất vàng”,… hay những chiêu thức “lùa gà” từ những người môi giới cứ thế rót tiền vào, đợi đáo hạn là tiền sẽ về cả gốc lẫn lãi… không ít nhà đầu tư F0 đã vung tiền để rồi vỡ mộng, sập bẫy, giờ tiền lãi đâu không thấy mà có nguy cơ khó đòi lại khoản tiền gốc đã đầu tư.

Những lời quảng cáo như “rót mật vào tai” các nhà đầu tư.

Những lời quảng cáo như “rót mật vào tai” các nhà đầu tư.

Những lời quảng cáo như “rót mật vào tai” các nhà đầu tư.

Những lời quảng cáo như “rót mật vào tai” các nhà đầu tư.

Bà K. (60 tuổi, Hà Nội) đã rút hết số tiền lương hưu tiết kiệm ra để đầu tư trái phiếu. Bà K. cho hay bà không am hiểu về trái phiếu nhưng bà được một người bạn thân giới thiệu, quảng cáo là gửi vào đây an tâm, lãi suất cao hơn gửi ngân hàng và rút vốn về lúc nào cũng được. Theo lời bà K. đó là khoản tiền tích cóp cuối cùng của bà, giờ mà mất, không lấy lại được thì các con và gia đình của bà sẽ khổ.  “Tôi có con muộn nên con lớn bây giờ mới học lớp 12, chồng đau ốm nghĩ đến cảnh túng thiếu mà tuổi đã cao, sức đã dần yếu nên tôi quyết định gửi ngắn hạn 3 tháng một, đến khi biết chuyện tôi bủn rủn cả chân tay, đến giờ tôi vẫn giấu gia đình, lẳng lặng tự đi đòi tiền về. Tôi trách người giới thiệu một thì trách mình mười vì quá tin người, không có kiến thức về trái phiếu mà còn ham lời, giờ đây tôi chẳng biết phải làm sao nữa”, bà K. nói trong nước mắt.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã có văn bản đề nghị các công ty thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh liên hệ làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để giải quyết về thủ tục hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư liên quan đến việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trên.

Đồng thời, ủy ban đề nghị các nhà đầu tư liên hệ với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 12/4, Tân Hoàng Minh đã có công văn gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn thu hồi trái phiếu đã phát hành và việc hoàn trả tiền cho khách hàng.

Kể từ khi 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị huỷ bỏ, phía Tập đoàn đã có động thái tiến hành 3 buổi gặp gỡ , trao đổi trực tiếp với nhà đầu tư.

Ông Đỗ Hoàng Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của Tân Hoàng Minh cho biết Tân Hoàng Minh đang cố gắng đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời triển khai các phương án tài chính phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo dự tính, Tân Hoàng Minh sẽ tiến hành xử lý một số dự án của Tập đoàn để giải quyết quyền lợi cho các nhà đầu tư bao gồm: Dự án tòa nhà cao ốc văn phòng tại Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh); Dự án Hoàng Hải (Phú Quốc), Dự án Thiên Bảo (Phú Quốc).

Trong bối cảnh vụ án mới ở giai đoạn điều tra ban đầu, một số vướng mắc pháp lý cần phải chờ ý kiến của các cơ quan chức năng nên Tập đoàn chưa thể thực hiện ngay được việc hoàn trả tiền cho khách hàng. Tập đoàn cho biết hiện đang phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, các đơn vị liên quan để thu xếp các nguồn tài chính để thực hiện hoàn trả tiền cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tân Hoàng Minh cũng khẳng định "không gặp khó khăn trừ phía cơ quan nhà nước trong việc thanh lý tài sản để thanh toán tiền cho nhà đầu tư, chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng".

Theo đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cam kết sẽ thường xuyên cập nhật thông tin và cam kết thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền cho khách hàng ngay sau khi có hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền.

     

Hoàng Bích - Hồng Nhung

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục