Chiến tranh tiền tệ liệu có nguy cơ xảy ra?

Trong bối cảnh cuộc xung đột thương mại đang leo thang, nhiều người lo ngại một cuộc chiến tranh tiền tệ đang nổi lên, khi đồng NDT bất ngờ sụt giá trong vài tuần qua.

Theo Hệ thống ngoại hối và giao dịch liên ngân hàng (CFETS) thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc –PBoC, ngân hàng trung ương– tỷ giá trung tâm của đồng NDT ngày 27/7 đã tăng 280 điểm cơ bản lên 6,7942 NDT/USD.

Đồng NDT hiện vẫn ở mức thấp nhất trong hơn một năm sau một đợt “trượt dốc” mạnh trong những tuần gần đây do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.

Trong bối cảnh cuộc xung đột thương mại đang leo thang, nhiều người lo ngại một cuộc chiến tranh tiền tệ đang nổi lên, khi đồng NDT bất ngờ sụt giá trong vài tuần qua.

Đồng NDT giảm giá mạnh

Trước đó, ngày 20/7, ngay sau khi mở cửa thị trường, tỷ giá đồng NDT ở ngoài Trung Quốc đã giảm xuống ngưỡng 6,83 NDT/1 USD, là mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Còn tại Trung Quốc, tỷ giá đồng NDT sụt giảm và phá vỡ ngưỡng 6,81 NDT/1 USD, lúc thấp nhất là 6,8128 NDT = 1 USD.

Chiến tranh tiền tệ liệu có nguy cơ xảy ra? - Ảnh 1
Tính từ giữa tháng 4/2018 đến nay, đồng NDT đã mất khoảng 10% giá trị so với đồng bạc xanh của Mỹ. Ảnh minh họa: TTXVN

Chỉ tới khi các ngân hàng lớn ở Trung Quốc vào cuộc ổn định thị trường thì tỷ giá đồng NDT mới tăng trở lại. Tính từ giữa tháng 4/2018 đến nay, đồng NDT đã mất khoảng 10% giá trị so với đồng bạc xanh của Mỹ.

Ông Ken Cheung, chiến lược gia về ngoại hối tại thị trường châu Á của ngân hàng Mizuho tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), nhận định sự mất giá nhanh và mạnh của đồng nội tệ có thể khiến dòng vốn chảy ra ngoài và làm suy yếu ổn định tài chính của quốc gia.

Vì vậy, theo chuyên gia này, Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm đưa ra những lời trấn an thị trường.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, Rajiv Biswas cho rằng việc đồng NDT yếu đi lại hỗ trợ đáng kể cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc khi khả năng cạnh tranh của họ bị suy giảm do phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn từ Mỹ.

Trước đó, PBoC ngày 19/7 đã tiếp tục bơm tiền mặt vào hệ thống tài chính nước này thông qua các nghiệp vụ thị trường mở. Cụ thể, PBoC đã bơm thêm 100 tỷ NDT (khoảng 14,9 tỷ USD) vào thị trường thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược sau khi đã bơm 80 tỷ NDT trong ngày 18/7.

Trong đó có 70 tỷ NDT được đưa vào thị trường thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 2,55% và 30 tỷ NDT được bơm thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 14 ngày ở mức lãi suất 2,7%.

Ngoài ra, PBoC đã thông báo dự trữ ngoại tệ của nước này đến cuối tháng 6/2018 là 3.112,1 tỷ USD, tăng 0,05% so với tháng trước. Theo PBoC, con số này cao hơn so với mức dự báo 3.102,8 tỷ USD được đưa ra trước đó và tăng nhẹ sau khi dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc sụt giảm trong hai tháng 4-5/2018.

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ

Trung Quốc ngày 23/7 đã bác bỏ các cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Bắc Kinh đang thao túng đồng NDT để tạo lợi thế cho các nhà xuất khẩu nước này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng dường như Mỹ "nhất quyết muốn gây chiến tranh thương mại", đồng thời khẳng định tỷ giá đồng NDT do các thị trường quyết định.

Trước đó, ngày 20/7, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) thao túng tiền tệ và cho biết ông đã sẵn sàng áp dụng các mức thuế mới đối với toàn bộ hàng hóa trị giá hơn 500 tỷ USD của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Tổng thống Trump cho biết đồng NDT đang sụt giá nhanh và đồng USD mạnh đặt nước Mỹ vào thế bất lợi so với EU và Nhật Bản, nơi vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ.


Chiến tranh tiền tệ liệu có nguy cơ xảy ra? - Ảnh 2
Nhiều người lo ngại một cuộc chiến tranh tiền tệ đang nổi lên, khi đồng NDT bất ngờ sụt giá trong vài tuần qua. Ảnh minh họa: TTXVN

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết: "Trung Quốc không muốn thúc đẩy xuất khẩu thông qua phá giá đồng nội tệ nhằm tăng tính cạnh tranh".

Theo ông Cảng Sảng, Trung Quốc để cho thị trường đóng vai trò của mình, giữ cho đồng NDT ở trong một biên độ dao động hẹp được điều chỉnh hàng ngày.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại tiềm ẩn sau khi hồi tháng 6/2018 Mỹ đã áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh cũng có động thái áp thuế đáp trả.

Washington sau đó còn cảnh báo sẽ áp thuế đối với hàng hóa trị giá tới 200 tỷ USD của Trung Quốc và Bắc Kinh cũng cho hay sẽ tiếp tục đáp trả.

Trong bối cảnh cuộc xung đột thương mại đang leo thang, nhiều người lo ngại một cuộc chiến tranh tiền tệ đang nổi lên, khi đồng NDT bất ngờ sụt giá trong vài tuần qua.

Theo các chuyên gia, một đồng NDT yếu sẽ tạo cho lợi thế cho hàng xuất khẩu Trung Quốc, qua đó giảm tác động của các mức thuế mà Mỹ mới áp đặt.

Báo Đa chiều ngày 21/7 dẫn nhận định trên tờ Zero Hedge cho biết nếu đồng NDT giảm giá 25% sẽ loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực từ việc Mỹ áp thuế trừng phạt 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và hai bên trở về vạch xuất phát.

Tuy nhiên, điều đó có nghĩa giữa Trung Quốc và Mỹ dường như đang xảy ra chiến tranh tiền tệ.

Với hai phát biểu công khai nêu trên, ông Trump đã phá vỡ truyền thống được duy trì suốt mấy thập kỷ qua, đó là các đời Tổng thống Mỹ luôn tránh bình luận trực tiếp về đồng USD hoặc đường lối chính sách tiền tệ của đất nước.

Chính sách tiền tệ là "địa hạt độc lập" của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ thường là người phát ngôn chính thức về đồng USD.

Việc ông Trump quan tâm đặc biệt tới đồng USD, theo Hero Hedge, cho thấy Mỹ có thể sẽ ra đòn trả đũa quyết liệt nhằm vào Trung Quốc.

Cụ thể: Mỹ sẽ trừng phạt nghiêm khắc việc Trung Quốc thao túng tiền tệ, mức độ có thể vượt xa việc sử dụng thuế quan trừng phạt Trung Quốc.

Ngày 15/10 tới, Bộ Tài chính Mỹ có thể công bố báo cáo, chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Tín hiệu liên quan có thể đã được phát ra.

Theo hãng tin Reuters, khi nói về Trung Quốc mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết phía Mỹ “đang rà soát cực kỳ cẩn thận liệu họ có thao túng đồng NDT hay không”.

Theo Jens Nordvig, chiến lược gia tiền tệ hàng đầu tại Phố Wall, những lời lẽ trên của ông Trump chắc chắn sẽ chuyển chiến tranh thương mại thành chiến tranh tiền tệ. Nếu chiến tranh thương mại chuyển thành chiến tranh tiền tệ, báo Kinh tế cho rằng dòng vốn ở Trung Quốc càng có động cơ tháo chạy mạnh mẽ.

Nếu tình huống này xuất hiện, ảnh hưởng tiêu cực của nó tới nền kinh tế Trung Quốc là không thể xem nhẹ.

Đó là chưa nói tới việc đồng NDT phá giá mạnh sẽ làm suy yếu toàn diện sức cạnh tranh của nó trên thị trường quốc tế, khiến cho tiến trình quốc tế hóa đồng NDT bị gián đoạn, đương nhiên không có lợi cho đồng tiền Trung Quốc cũng như doanh nghiệp Trung Quốc đi ra bên ngoài./.

Theo Bnews

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục