Theo báo cáo tài chính riêng của Manulife Việt Nam, năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm ghi nhận hơn 26.835 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm hơn 60%, đạt 17.556 tỷ đồng. Bảo hiểm hỗn hợp mang về hơn 6.082 tỷ đồng doanh thu, chiếm 22,7% trong cơ cấu doanh thu của Manulife Việt Nam. Còn lại là các sản phẩm như bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, sản phẩm phụ…
Trừ đi các khoản phí bảo hiểm gốc, phí nhượng tái bảo hiểm, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Manulife Việt Nam trong năm 2022 đạt hơn 26.322 tỷ đồng, tăng 9% so với mức thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.562 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ hơn 4.741 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2021 và khoản lỗ hơn 1.641 tỷ đồng trong năm 2020.
Nhìn kỹ vào báo cáo tài chính của Manulife Việt Nam, có thể thấy kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2022 nguyên nhân chủ yếu đến từ việc công ty đã tiết giảm mạnh chi phí bồi thường.
Cụ thể, tổng chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm giảm 36,7%, đạt hơn 15.378 tỷ đồng trong khi năm 2021 là hơn 24.309 tỷ đồng.
Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2022 của công ty cũng giảm tương tự ở mức 33%, đạt 18.580 tỷ đồng. Ngược lại, các chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 4% và tăng gần 27%, đạt 5.912 tỷ đồng và 2.984 tỷ đồng.
Khác với hoạt động kinh doanh cốt lõi, hoạt động tài chính có phần kém sắc khi doanh thu giảm 4,9%, trong khi chi phí tăng gấp gần 3 lần, lần lượt đạt 4.820 tỷ đồng và 2.366 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 42% so với năm 2021, đạt 2.454 tỷ đồng.
Theo đó, trong cơ cấu doanh thu, lãi từ đầu tư trái phiếu vẫn ghi nhận tăng trưởng ở mức 14%, đạt hơn 2.686 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ mua bán cổ phiếu và mua bán trái phiếu lại giảm mạnh lần lượt ở mức 64% và 48% so với năm 2021, tương ứng đạt 480 tỷ đồng và 333,8 tỷ đồng.
Chi phí tài chính tăng mạnh trong năm 2022 vì Manulife Việt Nam phải ghi nhận khoản lỗ hơn 868 tỷ đồng từ mua bán cổ phiếu, trong khi năm 2021 chỉ ghi nhận 184 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng phải trích lập hơn 768 tỷ đồng để dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán, gấp gần 32 lần năm 2021.
Manulife Việt Nam lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm hơn 1.298 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lỗ mạnh 7.418 tỷ đồng.
Về cơ cấu tài sản, tổng tài sản của doanh nghiệp tính đến cuối năm 2022 đạt hơn 106.378 tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm gần 65% từ mức 12.068 tỷ đồng (đầu năm) còn 4.233 tỷ đồng.
Ngược lại, các khoản đầu tư ngắn hạn tăng 52,5% lên mức 22.838 tỷ đồng, trong đó dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn ghi nhận tăng gấp 11 lần, đạt hơn 840 tỷ đồng.
Manulife Việt Nam đang ghi nhận hơn 7.875 tỷ đồng giá trị đầu tư ngắn hạn vào cổ phiếu, bao gồm 7.862 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết và 13 tỷ đồng cổ phiếu UPCoM.
Về trái phiếu, tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp đầu tư ngắn hạn hơn 213 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh, hơn 1.505 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (có kỳ hạn gốc từ 3-5 năm, lãi suất 6,64 – 10,5%/năm).
Manulife Việt Nam có hơn 11.769 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn, bao gồm 9.866 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn bằng VND, 2.842 tỷ đồng tiền gửi bằng USD.
Giá trị các khoản đầu tư dài hạn của doanh nghiệp tăng 16,8% so với thời điểm đầu năm 2022 lên mức 62.751 tỷ đồng. Trong đó, giá trị đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh là hơn 50.488 tỷ đồng, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính quyền địa phương là hơn 10.191 tỷ đồng. Các khoản tiền gửi ngân hàng dài hạn là hơn 62.755 tỷ đồng.
Dễ dàng thấy, phần lớn tài sản của Manulife Việt Nam đang nằm dưới dạng các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn, bao gồm tiền gửi ngân hàng và trái phiếu.
VietnamFinance
In bài viết