Tại các thành phố lớn trên thế giới, nhà chức trách đều xác định cây xanh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu, tạo không gian xanh cho đô thị. Do đó, công tác bảo vệ, trồng mới và thay thế cây xanh luôn được chú trọng và được quy định rất chặt chẽ.
Sydney, Australia: Chặt cây trái phép bị phạt tiền tới 1,1 triệu USD
Tại thành phố Sydney của Australia, các loại cây xanh trồng dọc đường phố đều được coi là tài sản của thành phố và được bảo vệ chặt chẽ theo chương trình bảo tồn cây xanh. Các nhà quản lý cùng các chuyên gia về thực vật học luôn phối hợp chặt chẽ với người dân để trồng và bảo vệ cây xanh đường phố.
Chính quyền Sydney luôn quan tâm bảo vệ cây xanh trong thành phố
Thành phố Sydney cũng ra những quy định rất chặt chẽ trong việc đốn hạ hoặc tỉa cây xanh. Đối với những cây xanh này, người dân và chính quyền chỉ được tỉa bớt cành lá để loại bỏ những cành sâu mục, chết hoặc gây nguy hiểm cho người đi đường, hoặc để tạo không gian cho những cành lá phía dưới cũng như để đảm bảo cây cối không che khuất các biển báo giao thông.
Cây xanh trên đường phố Sydney chỉ bị đốn hạ khi không còn giải pháp nào khác để giữ lại, và thường là những cây quá già, bị mục ruỗng và chết khô, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Còn người dân Sydney khi muốn loại bỏ cây xanh trong vườn nhà mình cũng phải xin giấy phép của thành phố, nếu những cây này có chiều cao từ 5 mét trở lên, có tán lá phủ hơn 5 mét, hoặc đường kính thân hơn 30 cm.
Ngoài ra, Sydney cũng quy định các biện pháp trừng phạt rất nghiêm khắc đối với những người vi phạm quy định trên. Những người chặt hạ cây trái phép ở mức độ nghiêm trọng có thể bị Tòa án Môi trường và Đất đai phạt tiền tới 1,1 triệu USD.
Malacca, Malaysia: Chặt cây trái phép sẽ bị pháp luật truy tố
Mới đây, một nhà phát triển bất động sản ở bang Malacca đã đốn hạ 17 cây cọ và đinh hương, trong đó có một số cây khoảng 30 tuổi.
Thống đốc bang Malacca Idris Haron đã bày tỏ thái độ kiên quyết với hành động tùy tiện của nhà bất động sản trên, cho biết sẽ có những biện pháp cứng rắn đối với người này do đã hành động vì tư lợi mà không lưu tâm đến tầm nhìn chính quyền bang về Thành phố công nghệ xanh Malacca.
Một góc thành phố Malacca, Malaysia
Tại bang Malacca, cây được đốn chặt phải được Chính quyền bang hoặc Hội đồng quản trị của bang phê duyệt về loại cây, kích thước và số lượng.
Ông Idris cho biết hành động trên đã vi phạm luật của chính quyền địa phương và có thể bị liệt vào danh sách đen nếu bị kết tội. Hình phạt cao nhất sẽ được áp dụng đối với người phạm tội và nhà kinh doanh bất động sản sẽ phải trồng lại cây con vào những chỗ đã bị đốn chặt.
Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Malacca Zainal Hussin cho biết, hành động của nhà kinh doanh bất động sản đã gây thiệt hại cho thành phố 450.000 RM (hơn 120.000 USD) và ông ta sẽ bị bị truy tố và phải trồng lại cây tại những nơi quy định.
Singapore: Nghiêm cấm mọi hoạt động phá hoại các cây xanh
Tại Singapore, đất nước được coi là sạch nhất Đông Nam Á, chính phủ lập nên các Khu vực Bảo tồn Cây xanh bao phủ một diện tích rộng lớn của quốc đảo này, và nghiêm cấm mọi hoạt động phá hoại các cây xanh có đường kính trên một mét trong các khu vực đó.
Nhân viên môi trường chăm sóc cây xanh ở Singapore
Năm 2002, một công ty bất động sản đã tự ý chặt hạ một cây xanh cổ thụ có đường kính 3,4 mét trong khu đất của mình. Ngay lập tức, dư luận Singapore nổi sóng phẫn nộ, và tòa án đã ra mức phạt 8.000 USD đối với công ty này, ngoài số tiền 76.035 USD mà công ty phải bồi thường cho nhà nước vì đã đốn hạ cây trên.
Trâm Anh (TH)