Chào Xuân 2022: Chợ cổ phiếu, trông xưa mà nghĩ đến nay

“Thị trường chứng khoán phải có yếu tố đầu cơ, nhưng đầu cơ lành mạnh, đầu cơ ở những cổ phiếu tăng trưởng chứ không phải đầu cơ ở cổ phiếu rác”, nhà đầu tư Trần Tiến Dũng, người gắn bó với thị trường từ năm 2000 chia sẻ.

1. Tôi có một người bạn là kỹ sư xây dựng, chuẩn bị nghỉ việc để chuyên tâm đầu tư chứng khoán. Với NAV (giá trị tài sản ròng) khá lớn nhờ tiềm lực tài chính từ gia đình, huy động thêm từ bên ngoài cộng thêm nguồn lực từ margin, không đến mức nhân đôi, nhân ba tài khoản nhưng năm Tân Sửu 2021 - 2022 cũng đủ đem về cho người này 2 chiếc ô tô nhờ rút một phần tiền lãi từ đầu tư chứng khoán.

Chào Xuân 2022: Chợ cổ phiếu, trông xưa mà nghĩ đến nay - Ảnh 1

Quyết định nghỉ việc, không hẳn đến từ đam mê đầu tư chứng khoán, mà bởi anh ta phải tập trung cao độ vào những con số nhấp nháy trên bảng điện tử hàng ngày, những thông tin “rò rỉ” từ hội nhóm trên mạng xã hội, đu theo những con sóng đầu cơ, say sưa trên men say chiến thắng nhưng không ít lần cũng hoảng loạn lo rằng T+3 không thoát được hàng. Thêm vào đó, chứng khoán cho anh cảm giác kiếm tiền quá nhanh, lướt một vài con sóng đã bằng lương làm việc cả năm.

Chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư “quốc dân”. Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho thấy tính đến cuối năm 2021, đã có 4,31 triệu tài khoản nhà đầu tư, trong khi con số cuối năm 2020 là 2,77 triệu tài khoản. Như vậy, khoảng 1,54 triệu tài khoản được mở mới chỉ tính riêng trong năm 2021, bằng hơn nửa số tài khoản được mở trong hơn 20 năm trước đó (giai đoạn 2000 – 2020). Không chỉ dân kinh tế mà bác sĩ, kỹ sư, dân truyền thông, dân văn phòng… giờ đây cũng không còn xa lạ với kênh đầu tư chứng khoán.

Trên các mạng xã hội, đặc biệt là Zalo, ngập tràn các “room” (nhóm) tư vấn đầu tư. Một số cổ phiếu “nóng” còn có đến vài “room” tư vấn, hô hào riêng, mỗi “room” lên đến gần nghìn người. Các cổ phiếu đầu cơ được đẩy giá lên rất cao, tăng bằng lần, thậm chí cả chục lần trong thời gian ngắn, cơ hội đổi đời khiến những nhà đầu tư trong cuộc trở nên tôn sùng một số cá nhân dẫn dắt cổ phiếu đầu cơ, dẫn dắt “room”; còn nhà đầu tư ngoài cuộc thì đừng ngồi không yên khi nhìn thiên hạ kiếm tiền quá dễ.

Nhưng như một tiếng chuông cảnh tỉnh, thị trường chứng khoán dậy sóng sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa tài khoản chứng khoán và hủy giao dịch “bán chui” gần 75 triệu cổ phiếu FLC trong phiên 10/1/2022. Đây không phải lần đầu tiên ông Quyết “bán chui” cổ phiếu, bài học lịch sử vẫn thường lặp lại, và nhiều người có thâm niên “chơi chứng” dịp này nhắc lại câu nói muôn thuở: “Trên thị trường này, đừng bao giờ tin ai cả…”.

2. Tôi tìm đến nhà đầu tư Trần Tiến Dũng, người tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam từ những ngày đầu tiên và bám trụ cho đến bây giờ, để nghe anh kể về thị trường chứng khoán “ngày xưa” và quan điểm của anh về thị trường chứng khoán “ngày nay”.

“Tôi kể không phải khoe mà rất thực tế. Trên sàn chứng khoán Bảo Việt ở 94 Bà Triệu (Hà Nội) chỉ có 3 nhà đầu tư thoát được tại đỉnh 571 điểm vào tháng 6/2001. 2 người trong số đó, mỗi người mua được 1 chiếc xe BMW. 2 chiếc xe BMW đỗ ở đường Bà Triệu thời kỳ đó là đại diện cho thành quả rất lớn từ đầu tư chứng khoán. Người còn lại là cá nhân tôi, xây được biệt thự. Chúng tôi chơi với nhau rất đoàn kết, thời đó kiến thức chưa nhiều nhưng luôn chia sẻ nhận định với nhau, rất vô tư và rất coi trọng chữ tín, thường cùng nhau gom mua cổ phiếu không chỉ trên sàn chính thức mà cả trên sàn OTC”, anh Dũng nói.

Ngày xưa không có giao dịch điện tử, nhà đầu tư muốn mua bán cổ phiếu thì phải xếp hàng, ai đến trước thì được viết phiếu lệnh trước. Sau đó, do số lượng nhà đầu tư đông dần, các sàn chứng khoán chuyển qua cơ chế “bốc lệnh”, có nghĩa là bốc số thứ tự, ai được số 1 thì được viết phiếu lệnh đầu tiên. Mỗi lệnh tối đa là 9.900 cổ phiếu để nhường cho người khác được giao dịch.

“Thời đó vẫn giao dịch lô 100 cổ phiếu. Trong nhóm chúng tôi, ai bốc được số 1 thì mọi người hùn tiền vào mua. Giao dịch thời đó cũng có “nhịp”. Có những hôm nhà đầu tư tràn ra bán nhưng chẳng ai mua, nhưng có những hôm cả tuần tranh cướp nhau bốc lệnh cũng không mua được hàng”, anh Dũng kể lại.

Theo nhà đầu tư này, thời kỳ đầu, thị trường dễ kiếm tiền vì có ít cổ phiếu niêm yết, mặc dù chưa nhiều nhà đầu tư nhưng cầu bao giờ cũng lớn hơn cung. Khó khăn ở chỗ kiến thức nhà đầu tư chưa nhiều, thông tin doanh nghiệp tương đối khó tiếp cận, thường chỉ có bản cáo bạch nhưng cũng không nhiều thông tin như bản cáo bạch ngày nay. Nhà đầu tư thường truyền tai nhau thông tin “rò rỉ” từ doanh nghiệp. Rất hiếm người hiểu về chứng khoán, hiểu sâu báo cáo tài chính. Kể cả những nhà đầu tư học nước ngoài về cũng thua lỗ rất nhiều. “Tôi là người bám sàn hàng ngày nên biết được hết những người được hay mất”, anh Dũng nhấn mạnh.

“Thời kỳ đầu, các doanh nghiệp niêm yết đều hoạt động tốt và tính đầu cơ trên thị trường không tàn bạo như bây giờ. Đầu cơ ngày xưa là đầu cơ của một nhóm nhà đầu tư nhìn thấy rõ kết quả kinh doanh và đẩy giá lên cao theo quan hệ cung – cầu. Còn bây giờ, họ đưa ra những thông tin không biết thật giả như thế nào, gom nhà đầu tư vào để cùng đánh lên, trước khi “tung hứng” thì họ đã có sẵn một lượng cổ phiếu nhất định. Khi họ rút ra, nhà đầu tư mới không bán được vì không có cầu”, vị này chia sẻ.

3. Nhà đầu tư Trần Tiến Dũng cho hay thị trường không thể lên mãi và cũng không thể xuống mãi. Tất nhiên, khi thị trường đi xuống thì sẽ có nhiều nhà đầu tư bị đào thải, kể cả đối với 2 nhà đầu tư từng sắm được xe BMW năm đó, bởi đó là quy luật tất yếu.

“Thành công hôm nay có thể là nhất thời nhưng đầu tư chứng khoán là cả một quãng đường. Đầu cơ có thể đúng 5, 6 lần nhưng chỉ cần 2 lần sai lầm, nhà đầu tư có thể mất trắng. “Cái chết” nằm ở đòn bẩy tài chính. Nhà đầu tư nếu lao vào cuộc chơi đầu cơ như hiện nay thì có thể lãi lúc đầu nhưng về sau sẽ mất mát rất lớn. Cái gì rồi cũng phải trở về giá trị thật của nó, dòng tiền không thể tung hứng mãi được. Nếu “tiền dại” không còn được bổ sung vào thì họ sẽ tung hứng với ai? Tôi cho rằng rồi dòng tiền sẽ phải tập trung vào cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, triển vọng thực sự khả quan. Thực ra thị trường chứng khoán phải có yếu tố đầu cơ, nhưng đầu cơ lành mạnh, đầu cơ ở những cổ phiếu tăng trưởng chứ không phải đầu cơ ở cổ phiếu rác”, anh Dũng nêu quan điểm.

Nhà đầu tư lão luyện này nhấn mạnh ngành chứng khoán cần phải bảo vệ lớp nhà đầu tư mới, bởi họ còn quan trọng hơn cả nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đến rất nhanh nhưng đi cũng rất nhanh, rốt cuộc mục tiêu của họ vẫn là kiếm càng nhiều tiền càng tốt rồi dịch chuyển đi. Với nhà đầu tư trong nước, theo thời gian, dần dần họ sẽ có kiến thức, kinh nghiệm và sẽ tìm được ra cách đầu tư hiệu quả, bảo vệ được đồng vốn của họ.

4. Thị trường chứng khoán không bao giờ là nơi để kiếm tiền nhanh, nhưng cũng không phải là nơi khó kiếm tiền. Vấn đề là nhà đầu tư cần phải chuẩn bị trên tinh thần nghiêm túc, liên tục học hỏi, theo quan điểm của anh Dũng.

“Khó có nghề nào lãi bằng đầu tư chứng khoán. Tôi vẫn hay nói thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua “3 đỉnh núi” và “3 vực sâu”, nhưng vẫn đi lên. Khi bắt đầu, VN-Index chỉ là 100 điểm nhưng bây giờ đã vượt 1.500 điểm. Nếu có danh mục đầu tư tốt thì tỷ suất lợi nhuận còn vượt trội so với VN-Index. Theo tôi, việc gỡ lại nếu thua lỗ và gia tăng quy mô tài sản giờ không khó vì nhiều cơ hội hơn dù cơ hội nhỏ hơn. Quan trọng là phải giàu về kiến thức, kinh nghiệm. Giàu tiền bạc, mất chưa chắc làm lại được nhưng giàu kiến thức, kinh nghiệm thì khi mất mát, người ta vẫn đứng lên được, làm lại từ đầu và sẽ phát triển”, nhà đầu tư bám sàn hơn 20 năm cho biết.

Theo anh Trần Tiến Dũng, khi hệ thống giao dịch mới được đưa vào hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục bước sang một giai đoạn phát triển mới.

“Từ giờ trở đi, nếu vững tâm giao dịch thì mức lợi nhuận kiếm được sẽ rất lớn. Cơ hội vẫn còn đang ở phía trước. Rất ít nước nào gửi tiết kiệm nhiều như ở Việt Nam. Lượng tiền cả triệu tỷ đồng đang gửi ở ngân hàng vẫn chưa rút ra nhiều để đầu tư vào thị trường chứng khoán. Rồi chúng ta sẽ chào đón Mobifone, VNPT, Thủy điện Sơn La…, các doanh nghiệp lớn rồi cũng sẽ lên sàn. Khi đó, quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán còn lớn hơn nữa. Cùng với tăng trưởng GDP ở mức cao và đều đặn thì dần dần người dân sẽ thay đổi thói quen từ gửi tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán, đặc biệt là các thế hệ sau”, anh nói.

5. “Là người có kinh nghiệm, đi theo thị trường từ ngày đầu, tôi vẫn nói với các nhà đầu tư rằng cái gì cũng cần thời gian. Khi mới tham gia thị trường, chỉ nên giao dịch vừa phải, song song với đó là tìm hiểu về doanh nghiệp. Nếu nghiêm túc làm như vậy, kiến thức tăng dần thì khoảng 1,5 đến 2 năm, tôi cho rằng đã đủ trưởng thành để đầu tư nhiều hơn. Thành bại của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường quyết định bởi việc tìm được một danh mục đầu tư hoàn hảo, theo tôi là lựa chọn được 5 cổ phiếu tốt nhất, mua và nắm giữ; hoặc đầu cơ trong 5 mã đó, nếu có “sẩy chân” thì có thể nắm giữ cổ phiếu cho đến khi tăng trở lại vì bản chất doanh nghiệp vẫn tốt. Nếu đầu tư quá nhiều cổ phiếu thì bạn không thể biết liệu doanh nghiệp mình đang đầu tư có đi theo đúng kế hoạch đặt ra hay không. Tất nhiên đã kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro, nhưng bạn vẫn nên mua cổ phiếu của doanh nghiệp mà bạn hiểu rõ. Đặc biệt là hạn chế tối đa việc sử dụng margin khi mình chưa đủ giỏi. Theo quan sát của tôi, những người thành công thường là nhà đầu tư chứ không phải là nhà đầu cơ”, anh Dũng nêu lời khuyên cá nhân.

Trên thực tế, không phải nhà đầu tư mới nào cũng dự định sẽ gắn bó với thị trường chứng khoán. Như bạn tôi – người dự định nghỉ việc để tập trung đầu tư chứng khoán – cũng chỉ nghĩ rằng sẽ dành khoảng 2, 3 năm để kiếm tiền khi chứng khoán còn đang trong thời kỳ “hưng thịnh” nhất.

Tùng Lâm

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục