Mục tiêu giải quyết nợ xấu là bước đệm quan trọng trong quá trình lành mạnh hóa hệ thống tài chính. Sở hữu và đầu tư chéo trong một giai đoạn dài đã phát sinh nợ xấu rất lớn trong hệ thống các TCTD cổ phần.
Nhiệm vụ cơ cấu lại được thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt về cơ chế, chính sách, tài chính, quản trị, hoạt động đối với tất cả các nhóm TCTD cả trong nước và nước ngoài.
Trong quá trình tái cơ cấu các TCTD cổ phần thì nội dung bước đầu đã đi vào xử lý tình trạng sở hữu chéo và đầu tư chéo và được coi có ý nghĩa tiên quyết đối với việc nâng cao chất lượng tín dụng và đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. Trong hơn 2 năm qua, hoạt động quản lý cấp phép hoạt động và mở rộng mạng lưới của các ngân hàng đã chỉ dựa trên cơ sở bảo đảm lành mạnh hóa tài chính.
Chỉ những NHTMCP nào chứng minh được bộ máy quản trị, điều hành hoạt động có hiệu quả, đủ khả năng và có thị phần để mở rộng thị trường mới được cấp phép. Nhờ đó, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng và nhất là chính sách quy định an toàn hoạt động theo các quy định hỗ trợ tái cơ cấu trên cơ sở xử lý nợ xấu.
Nợ xấu của các TCTD đã từng bước được xử lý, chất lượng hoạt động của các TCTD được nâng lên vì hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu.
Dù vậy, nợ xấu ngày càng khó xác định và giải quyết nợ xấu vẫn nan giải. Thời gian qua, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) tích cực trong việc mua nợ xấu, từ đó làm sạch bản cân đối tài sản của ngân hàng, giúp cải thiện mối quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng, khơi thông nguồn vốn tín dụng.
Nợ xấu hiện nay vẫn đang là một thách thức và khó khăn lớn nhất đối với các NHTMCP do sức mua của nền kinh tế và thị trường chưa thực sự khỏe mạnh. Để tái cơ cấu hệ thống các TCTD thì phải gắn liền với tái cơ cấu DNNN, tập đoàn, tổng công ty và tái cơ cấu đầu tư công, bởi một lượng vốn rất lớn của khu vực này liên quan đến TCTD. Tuy nhiên, quá trình cải cách DNNN và đầu tư công chưa đạt được những kết quả tạm coi là đủ song hành với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Trong những năm qua, tái cơ cấu các TCTD nói chung và hệ thống NHTM nói riêng đã đạt được mức độ đáng ghi nhận là nhận diện được quy mô của nợ xấu và có phương án giải quyết nút thắt này. Việc xử lý các NHTMCP yếu kém trong thời gian qua được thực hiện khá chủ động theo nguyên tắc thận trọng và đã rút ra nhiều bài học trong quản lý hoạt động ngân hàng.
Cùng với đó, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để cho các tổ chức quốc tế cũng như cá nhân quan tâm đến việc đầu tư vào các khoản nợ xấu này có cơ hội tiếp cận. Để đẩy nhanh việc bán nợ xấu cho đối tác ngoại thì các thủ tục hành chính cũng cần phải được cải cách theo hướng đơn giản và rút gọn hơn để tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư sau khi họ quyết định mua.
Ngân hàng Nhà nước, với tư cách là cơ quan đứng đầu và giám sát tất cả các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, cần thể hiện sự nhất quán trong thông tin về số liệu, đặc biệt là nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng cần hướng các ngân hàng thương mại chủ động công bố và minh bạch thông tin trong quản trị rủi ro.
P.N.(Tổng hợp)