Dù mới xuất hiện tại Việt Nam nhưng Onecoin đã trở thành một kênh đầu tư được giới tài chính quan tâm. Theo như quảng cáo, loại hình kinh doanh này cho “siêu lợi nhuận” gấp 10 – 100 lần vốn bỏ ra ban đầu chỉ trong vài tháng.
Theo thông tin từ một thành viên của mạng lưới onecoin tại Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, cộng đồng chơi onecoin đã lên tới hàng nghìn người.
Cách thức tham gia đầu tư vào loại tiền điện tử này khá đơn giản. Đầu tiên, là phải bỏ tiền tham gia một khóa học tài chính và được tặng token, lượng token thu về tùy từng gói đầu tư mà người chơi tham gia (4 triệu đến 148 triệu đồng) này dùng để “đào” onecoin. Thực chất, đây là hình thức bán onecoin trá hình.
Ngoài ra nhà đầu tư còn thực hiện mua token với giá mua token là 15,5 triệu đồng/5.000 onecoin và 12 token đổi được 1 onecoin. Giá onecoin sẽ tăng theo tỉ lệ người tham gia.
Chán chơi vàng ảo, giới đầu tư chuyển qua kinh doanh Onecoin
Bên cạnh đó một cách khác để kiếm onecoi là kêu gọi thật nhiều người tham gia theo 4 cấp độ. Người ở cấp độ 1,2 sẽ được hưởng 10% giá tiền đầu tư, cấp độ 3 được hưởng 20% và cấp độ 4 được hưởng 30%. Khi càng nhiều người chơi thì mỗi người phải đóng nhiều tiền để có thể đầu tư cao hơn người khác nhằm đạt được nhiều onecoin.
Có thể thấy rằng thực chất hình thức kinh doanh tiền ảo này hoạt động giống như mô hình kinh doanh đa cấp, giá trị ban đầu của đồng tiền ảo bị đẩy lên cao khi càng có nhiều người tham gia. Cộng với những lời mời gọi hấp dẫn từ các “cò mồi”, rất nhiều người đã bất chấp mọi cảnh báo để lao vào “cơn lốc” onecoin. Khi khách hàng đã tham gia sẽ tìm mọi cách để lôi kéo người, thậm chí cả những người thân vào vòng xoáy kinh doanh “ảo” để hưởng lợi nhuận theo hình kim tự tháp.
Tại Việt Nam hiện vẫn chưa có chế tài điều hành hệ thống onecoin do vậy rủi ro trong việc kinh doanh loại tiền ảo này là rất lớn. Thêm vào đó với mô hình kinh doanh như kim tự tháp, những người đi trước nhanh chân hơn những người khác có thể được hưởng lợi và đương nhiên người đến sau sẽ chịu rủi ro cao hơn.
Thậm chí nhiều công ty còn sẵn sàng lập những lệnh ảo để thu hút đầu tư của khách và “bùng” khi đã ôm được một khoản tiền lớn. Nhiều người ảo tưởng vào hình thức kiếm tiền “siêu lợi nhuận”, dấn thân đầu tư từ vài trăm triệu tới vài tỷ nhưng cuối cùng cái kết nhận được lại quá “đắng”.
Theo một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh online, thực chất đây là hình thức “ảo” để thu hút khách hàng và khó có thể thực hiện được tại Việt Nam ở thời điểm này.
Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tá Vũ Đức Thành, Đội phó Đội 3 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội cho biết việc mua bán tiền điện tử diễn ra trên mạng, lại chưa được pháp luật Việt Nam công nhận nên phát sinh rất nhiều rủi ro mà người tham gia kinh doanh không lường hết được.
Cũng theo thiếu tá Thành, trong thời gian qua Cơ quan Công an đã nhận được nhiều đơn trình báo của nhà đầu tư tố cáo bị đối tác mua bán trên mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi chuyển tiền mặt vào tài khoản của đối tượng nhưng không nhận được tiền điện tử quy đổi.
Một rủi ro nữa của onecoin là giá cả. Theo kỳ vọng của người tạo ra đồng tiền này, giá onecoin sẽ tăng lên 50-100 USD/coin trong vài ba năm tới, tức tăng giá khoảng 100-200 lần. Tuy nhiên, đây lại là một “mơ ước hão huyền” bởi thực tế ngoại trừ bitcoin, hàng trăm đồng tiền ảo khác chỉ có giá chưa tới 0,1 USD/coin, có đồng tiền ảo ra đời chưa tròn năm đã “biệt vô âm tín”.
Ngọc Anh (TH theo Bizlive; dantri; Vietnamnet; baodautu)