Dấu ấn dòng tiền
CC1 là “ông lớn” thực thụ của ngành xây dựng Việt Nam, cả về lịch sử phát triển (45 năm) lẫn quy mô kinh doanh tính trên cả 2 phương diện là số lượng lĩnh vực tham gia lẫn doanh thu đạt được.
Như hầu hết doanh nghiệp xây dựng khác, CC1 cũng trải qua một năm 2023 khá vất vả, dù cho số lượng và giá trị dự án trúng thầu là khá lớn, gồm: sân bay Long Thành, khu dân cư Habitat giai đoạn 3, King Crown Infinit (xây lắp dân dụng), nhiệt điện Na Dương 2, nhiệt điện BOT Vân Phong 1, nhiệt điện Quảng Trạch 1, nhiệt điện Vũng Áng 2 (xây lắp công nghiệp), các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, đường bộ ven biển đoạn qua TP. Hải Phòng (xây lắp giao thông).
Kết năm 2023, CC1 ghi nhận doanh thu 5.611 tỷ đồng, giảm 13% và lợi nhuận trước thuế đạt 302 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm trước, lần lượt hoàn thành 52% và vượt 31% kế hoạch năm.
Điểm sáng trong năm 2023 của CC1 là vấn đề dòng tiền được cải thiện. Theo đó, sau 3 năm liên tiếp ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm, năm 2023, CC1 đã có dòng tiền kinh doanh dương tới 2.957 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi lên sàn, nhờ giảm các khoản phải thu, hàng tồn kho và tăng các khoản phải trả.
Với dòng tiền kinh doanh dương kỷ lục này, CC1 đã đẩy mạnh giảm nợ vay, từ 6.768 tỷ đồng xuống 4.287 tỷ đồng, tương đương giảm 36%. Trong đó, ấn tượng hơn cả là công ty đã xóa sạch nợ trái phiếu (khoảng 2.650 tỷ đồng).
Tiếp tục nuôi tham vọng
Việc vượt qua được năm 2023 một cách tương đối trót lọt dường như khiến CC1 thêm phần tự tin khi bước sang năm 2024. Công ty đặt kế hoạch doanh thu năm này lên tới 11.600 tỷ đồng, tăng 107% và lợi nhuận trước thuế 590 tỷ đồng, tăng 95% so với năm trước.
Đây là lần thứ 3 liên tiếp, CC1 đặt mục tiêu doanh thu trên ngưỡng 10.000 tỷ đồng (vạn tỷ). Trước đó, trong các năm 2022, 2023, công ty đã từng đặt mục tiêu doanh thu lần lượt là 11.252 tỷ đồng và 10.761 tỷ đồng. Tất nhiên trong cả 2 năm này, CC1 đều không thể đạt được kế hoạch.
Trên thị trường xây dựng hiện nay, số doanh nghiệp đạt được quy mô doanh thu vạn tỷ chỉ đếm trên đầu ngón tay, gồm Coteccons (HoSE: CTD), Vinaconex (HoSE: VCG), Newtecons; trước đó là Hòa Bình (HoSE: HBC), Sông Đà (UPCoM: SJG) và Ricons. Như vậy, nếu có thể đạt được kế hoạch năm 2024, CC1 sẽ có lần đầu tiên gia nhập vào “câu lạc bộ vạn tỷ”, sánh ngang với những doanh nghiệp lớn nhất ngành xây dựng.
Về lý thuyết, CC1 có khả năng đạt được mục tiêu này. Năm 2023, chỉ tính riêng công ty mẹ, tổng giá trị hợp đồng đã ký đang thực hiện đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó có 20.000 tỷ đồng chưa thực hiện. Backlog rất lớn này là cơ sở cho tham vọng “hóa rồng” của CC1 trong năm 2024. Chưa kể, công ty vẫn còn các hoạt động bổ trợ nguồn thu khác như kinh doanh vật tư cho thuê văn phòng và kinh doanh bất động sản.
Tuy vậy, trên thực tế, việc chuyển hóa nguồn việc thành doanh thu không phải dễ dàng, nhất là khi phần lớn nguồn việc của CC1 liên quan đến đầu tư công.
Bài toán nguồn vốn
Năm 2023, CC1 đã phát hành thành công 29,57 triệu cổ phiếu trả cổ tức, nâng vốn điều lệ lên 3.585 tỷ đồng. Song, công ty vẫn chưa thể phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn, do thị trường không thuận lợi. Điều này khiến hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vẫn ở mức khá cao (2,5 lần) và là một cản trở cho những tham vọng của CC1.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 (AGM 2024) tới đây, CC1 sẽ tiếp tục trình phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn. Theo đó, công ty có kế hoạch phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho tối đa 10 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, giá chào bán bằng giá tham chiếu bình quân của 20 phiên liền trước ngày HĐQT ra nghị quyết về việc phê duyệt giá chào bán.
Nếu tạm tính theo thị giá CC1 hiện tại khoảng 13.000 đồng/cổ phiếu, CC1 có thể thu về khoảng 2.700 tỷ đồng.
Dự kiến số tiền thu được sẽ bổ sung cho hoạt động kinh doanh, đầu tư tài sản, máy móc thiết bị, công cụ xây dựng và nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu mới; nâng cao khả năng mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh của CC1.
Ngoài kế hoạch này, CC1 cũng trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 9% (kế hoạch đầu năm chỉ 5%), tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 9 cổ phiếu mới. Theo đó, công ty sẽ phát hành 32,2 triệu cổ phiếu.
Như vậy, nếu hoàn thành hai đợt tăng vốn là trả cổ tức năm 2023 và phát hành cổ phiếu riêng lẻ, vốn điều lệ của CC1 sẽ tăng từ 3.585 tỷ đồng lên 5.907 tỷ đồng.
Dù vậy, cho tới thời điểm này, vẫn không có gì chắc chắn việc tăng vốn của CC1 sẽ thành công, kể cả phương án bán vài trăm nghìn cổ phiếu quỹ - vốn cũng đã bị đình trệ từ năm trước.
CC1 đã mở đầu năm 2024 khá ấn tượng khi nhận doanh thu thuần hơn 1.395 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Song lợi nhuận trước thuế chỉ hơn 11,3 tỷ đồng, tăng 1,3% (lãi sau thuế 8,8 tỷ đồng, tăng 6%) do không còn được hỗ trợ bởi doanh thu tài chính như cùng kỳ.
So với kế hoạch năm đầy tham vọng, CC1 mới chỉ thực hiện được 12% chỉ tiêu doanh thu thuần và 2% chỉ tiêu lợi nhuận.
Chất lượng tài sản của công ty tại thời điểm kết thúc quý I/2024 vẫn còn những vấn đề với các khoản phải thu tăng 3,5% trong quý, lên 7.351 tỷ đồng, chiếm 49,4% tài sản. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 158 tỷ đồng
Hàng tồn kho cũng tăng 39% lên 1.294 tỷ đồng, chiếm 8,7% tài sản, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án: Tropicana Nha Trang (145 tỷ đồng), bệnh viện đa khoa Bình Dương (127 tỷ đồng), nhà ga T3 Tân Sơn Nhất (59 tỷ đồng)…
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 1,5% lên đạt 2.625 tỷ đồng, chiếm 17,6% tài sản, phần lớn nằm tại dự án đường bộ ven biển Hải Phòng – Thái Bình (2.053 tỷ đồng), khu dân cư Hạnh Phúc (550 tỷ đồng)…
Do sự gia tăng của các khoản phải thu và hàng tồn kho, dòng tiền kinh doanh quý I âm 682 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, CC1 đã phải tăng dòng tiền đi vay 35% lên 1.366 tỷ đồng để bù đắp.
Điểm khá là tổng quỹ tiền của CC1 khi kết thúc quý I/2024 vẫn khá lớn, đạt 2.083 tỷ đồng, dù giảm 27% so với đầu năm, chiếm 13,9% tài sản.
Như vậy, có thể thấy, về cơ bản, CC1 có triển vọng, song cũng đang đối diện với không ít vấn đề. 2024, vì vậy, vẫn sẽ là một năm không dễ dàng với công ty, dù cho ngành xây dựng đã ít nhiều sáng sủa hơn năm trước.
Vietnamfinance
In bài viết