Cao su Đà Nẵng: Nợ tiếp tục tăng cao, tồn kho vẫn hơn 1.000 tỷ

Kết thúc quý II/2024, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng cho thấy nợ ngắn hạn của doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng cao từ 1.508 tỷ đồng lên 1.759 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024, với doanh thu đạt 1.1414 tỷ đồng, tăng 215 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp thu về 274 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này trong kỳ phải gánh khoản chi phí bán hàng khá lớn lên đến 158 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 chỉ có 61 tỷ đồng), khiến cho lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 77 tỷ đồng.

Nợ ngắn hạn của Cao su Đà Nẵng liên tục tăng.
Nợ ngắn hạn của Cao su Đà Nẵng liên tục tăng.

Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này trong kỳ vẫn cao hơn so với năm trước 27 tỷ đồng.

Về lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền đầu tư của doanh nghiệp này đang cho thấy âm 67 tỷ đồng. Trong đó, tiền chi để mua sắm xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác được doanh nghiệp này chi rất mát tay với 107 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái chỉ là 12 tỷ đồng.

Về dòng tiền hoạt động tài chính, doanh nghiệp này đang cho thấy việc đi vay của doanh nghiệp ghi nhận ở mức khá cao với 1.662 tỷ đồng. Đồng thời, trả nợ gốc vay cũng cao không kém với 1.557 tỷ đồng.

Cơ cấu vốn của doanh nghiệp này cho thấy, nợ phải trả tăng khá nhanh từ 1.532 tỷ đồng lên 1.801 tỷ đồng. Điều đáng nói, nợ ngắn hạn chiếm đến 1.759 tỷ đồng. Nợ phình lên trong khi vốn chủ sở hữu cũng chỉ ở mức 1.869 tỷ đồng.

Tình trạng nợ ngắn hạn của cao su Đà Nẵng tăng nhanh bắt đầu vào năm 2021, từ 742 tỷ đồng nhảy lên 1.359 tỷ đồng. Sang năm 2022, nợ ngắn hạn của doanh nghiệp này tiếp tục tăng lên đạt mức 1.506 tỷ đồng và 1.508 vào năm 2023.

Tổng nợ của năm 2021 là 1.362 tỷ đồng; năm 2022 là 1.508 tỷ đồng và năm 2023 là 1.532 tỷ đồng.

Hết 6 tháng năm 2024, tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp này ghi nhận tình trạng tăng lên từ 2.291 tỷ đồng lên 2.496 tỷ đồng. Tuy nhiên phải lưu ý rằng, tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp này tăng lên là do phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng nhanh “chóng mặt” từ 406 tỷ đồng lên 681 tỷ đồng.

Như vậy, doanh nghiệp này tạm thời đang bị khách hàng chiếm dụng vốn.

Một điểm nữa cần lưu ý là hàng tồn kho của doanh nghiệp này chiếm phần khá lớn trong cơ cấu tài sản ngắn hạn với 1.117 tỷ đồng. Đây là một phần kết quả khá tốt của Cao su Đà Nẵng trong việc xử lý hàng tồn kho, bởi giai đoạn 2022 hàng tồn kho của doanh nghiệp này lên đỉnh điểm đến 1.707 tỷ đồng.

Trong kỳ đại hội cổ đông vừa qua, Cao su Đà Nẵng đã tiến hành bầu lại chức vụ Chủ tịch HĐQT. Kết quả cho thấy, ông Nguyễn Xuân Bắc (bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT từ tháng 6/2020) tiếp tục được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Như vậy nhìn từ kết quả kinh doanh và thời điểm bắt đầu nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT ông Nguyễn Xuân Bắc, nợ của doanh nghiệp này phình lên một cách “thần tốc”, nhất là nợ ngắn hạn.

Phước Nguyên

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục