Cảnh giác với chiêu thức "đại hạ giá" của ngân hàng

(Kinhdoanhnet) - Nhiều ngân hàng đang tung ra thị trường những gói cho vay rất hấp dẫn như lãi suất cho vay dưới trần lãi suất huy động, thậm chí là 0%... nhắm tới đối tượng khách hàng vay tiền mua nhà.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian vay, ngoài lãi suất, người mua nhà dễ rơi vào tình thế phải chấp nhận các điều kiện bất lợi do NH đưa ra nếu không chịu khó tìm hiểu trước khi vay.

Ngân hàng “đại hạ giá”

Một ngân hàng cổ phần mới đây cũng tung ra gói cho vay lãi suất 6%, "ăn theo" gói hỗ trợ mua nhà ở 30.000 tỷ của Ngân hàng Nhà nước. Anh Trần Ngọc Dương (105 Bạch Mai) đang làm thủ tục vay theo gói sản phẩm này cho biết: "Ngân hàng mời mọc lãi suất 6% nhưng đây là lãi suất ưu đãi trong 6 tháng còn sau đó thì lãi suất lại cao đâu vào đấy". Theo anh Dương, hầu hết các ngân hàng đều chỉ trưng những mức lãi suất hấp dẫn cho vài tháng đầu. Nếu khách hàng không hỏi rõ ràng thì nhân viên tín dụng cũng "lờ tịt" đi.

Cảnh giác với chiêu thức "đại hạ giá" của ngân hàng - Ảnh 1

Nhiều chuyên gia tài chính gọi "chiêu" quảng cáo này của các nhà băng là mua bia tặng kèm lạc, tuy nhiên chỉ là một vài hạt cho "cốc bia" đầu tiên. "Từ cốc thứ hai, khách phải tự mua thêm đồ nhắm và chi phí sẽ tăng, trở về đúng giá cao thực chất", vị chuyên gia từng làm việc cho một ngân hàng thương mại cho biết.

Ngân hàng cho biết lãi suất cho vay sau khi hết vài tháng khuyến mại được tính dựa trên giá vốn công bố cộng với biên độ (khoảng từ 3-4%).  "Thế nào là giá bán vốn do họ công bố? Nếu do họ tự ấn định thì khác nào họ nắm đằng chuôi khi quy định lãi suất bao nhiêu thì khách hàng cũng phải chịu", anh Trần Ngọc Dương lo ngại.

Tại NH Tiên Phong (TPBank), nhân viên NH này chào mời lãi suất cho vay mua nhà 4,9%/năm cố định 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 trở đi sẽ bằng lãi suất tiền gửi cộng với biên độ nhất định. Điểm khác biệt là TPBank không chỉ định nhà cho khách hàng phải mua. Trong khi đó, tại NH Việt Nam Thương Tín (VietBank), lãi suất cho vay mua nhà trong 6 tháng đầu là 7,5%/năm, 6 tháng tiếp theo 11%/năm. Nếu bên vay trả hết nợ trong năm đầu tiên thì lãi suất cho vay bình quân là 10,5%. Từ năm thứ 2 trở đi, VietBank áp dụng lãi suất cho vay bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 3,5%-4%.

Một vài nhân viên tín dụng của các ngân hàng giải thích cho khách theo cách chung chung là "lãi suất theo thị trường" hoặc "theo điều khoản ghi trên hợp đồng tín dụng".

Nhân viên tín dụng một ngân hàng phát triển mạnh trong lĩnh vực bán lẻ cho biết, gần đây ngân hàng tung ra nhiều chính sách cho vay tiêu dùng và khuyến khích nhân viên đẩy cao doanh số. Sau khi tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng, nữ nhân viên này phân tích: "Việc đưa lãi suất hấp dẫn lên để quảng cáo cũng là chuyện bình thường trong kinh doanh nhưng phải thừa nhận nhiều khách hàng hiện nay vì quá ham vay tiền ngay mà không tính toán kín kẽ phương án trả nợ".

Các chuyên gia tài chính phân tích: Lãi suất đầu vào từ 6%-7%/năm, nếu cho vay mua nhà với lãi suất “bèo” thì NH sẽ thua lỗ. Vì thế, sau thời gian đầu áp dụng lãi suất cho vay cực thấp, các NH thường đưa ra lãi suất cao để bù đắp cho mức lãi suất đã áp dụng trước đó. Nếu người vay không chấp nhận thì NH yêu cầu tất toán khoản vay. Trong khi đó, người mua nhà đã lỡ vay NH với số tiền hàng trăm triệu đồng, không thể “chạy” đủ tiền để trả hết nợ, đành chấp nhận mức lãi suất mà NH ấn định.

Người dân nên “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”

Hiện nay, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên ở mức 7%/năm, cộng với chi phí kinh doanh từ 3%-4%, tính ra lãi suất cho vay mua nhà 10%-11%/năm là NH đã có lãi. Vì thế, khi NH đưa ra lãi suất thấp trong năm đầu tiên thì bên vay cần chú ý đến điều kiện trả nợ trước hạn, lãi suất của các năm tiếp theo để tính toán chi phí vay vốn hợp lý hay không.

Do chủ đầu tư dự án quá quen thuộc với cách thức giao dịch qua NH, đồng thời chưa bàn giao chủ quyền nhà cho bên mua nên người vay tiền NH để mua căn hộ có nhiều thuận lợi về các thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp, phương thức thanh toán. Thế nhưng, đối với người vay tiền NH để mua nhà riêng lẻ và dùng căn nhà đó làm tài sản thế chấp là cực kỳ khó khăn. Bởi khi công chứng hợp đồng mua bán nhà, NH thường giải ngân cho bên vay bằng cách chuyển tiền vào tài khoản của bên bán nhà. Sau đó, NH phong tỏa tài khoản này (khoảng 1 tháng) và bên bán nhà chỉ được rút tiền sau khi bên mua và bên bán nhà hoàn tất thủ tục thuế, sang tên chủ quyền nhà. Đây là các yếu tố mà khi tiến hành các thủ tục vay tiền, người mua nhà cần phải tìm hiểu kỹ từ NH để thỏa thuận với bên bán trước khi đặt cọc.

Cảnh giác với chiêu thức "đại hạ giá" của ngân hàng - Ảnh 2

Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân của sự mập mờ này còn đến từ sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết của người vay vốn. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, khi vay tiền phải đọc thật kỹ từng điều khoản trong hợp đồng thay vì chỉ đọc lướt và ký do vội vã. Không ít khách hàng không tìm hiểu kỹ về lãi suất phạt khi thanh toán gốc và lãi chậm cũng như khi muốn tất toán hợp đồng sớm.

Một chuyên gia làm trong lĩnh vực pháp chế của ngân hàng cũng khuyên: "Nói chung người dân nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Trách ngân hàng 'câu khách' là một phần thôi nhưng bản thân người vay cũng phải làm tròn các nghĩa vụ của mình trước. Rất nhiều người đã không đọc kỹ điều khoản hợp đồng mà chỉ nhắm mắt ký để được giải ngân".

Đối với trường hợp vay tiền mua căn hộ tại dự án có liên kết với NH, một số người trong cuộc cho biết nhiều năm trước, NH đã cho chủ đầu tư vay tiền xây dự án. Đến nay, để sớm thu hồi vốn, NH phối hợp với chủ đầu tư kích thích người mua nhà bằng cách đưa ra lãi suất cho vay cực thấp, đồng thời nâng giá bán căn hộ nhằm bù đắp cho lãi suất. Do đó, người vay tiền mua nhà với lãi suất từ 0%- 3% trong năm đầu tiên cần tỉnh táo, nếu không có thể bị hớ về giá trị căn hộ lẫn lãi suất từ năm thứ hai trở đi.

Cảnh giác với chiêu thức "đại hạ giá" của ngân hàng - Ảnh 3

Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình và cho rằng, việc các NH hạ lãi suất cho vay bất động sản là dấu hiệu tốt cho thị trường khởi sắc, cũng như là cơ hội thực sự cho những người cần mua nhà. Song với các điều kiện ngặt nghèo, đặc biệt là không trả được nợ trước thời hạn, là những ràng buộc mà khách hàng cần phải cân nhắc kỹ trước khi đặt bút ký hợp đồng, để không bị rơi vào tình thế sự đã rồi.

Thế Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục