Cảnh báo: TPBVSK Pico Collagen Premium vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về việc phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Pico Collagen Premium đang được quảng cáo với nội dung vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, thông tin từ Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong thời gian vừa qua, cơ quan này đã phát hiện tại đường link: https://www.hangngoainhap.com.vn/3370-vien-uong-pico-collagen-premium-ribeto-75-vien-nhat-gia-tot.html, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Pico Collagen Premium đang được quảng cáo với nội dung chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

Đồng thời, quảng cáo xuất hiện tại đường link trên cũng được Cục An toàn thực phẩm nhận định có nội dung gây hiểu nhầm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Pico Collagen Premium có công dụng như thuốc chữa bệnh.

Các hành vi trên đều đang vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Cảnh báo: TPBVSK Pico Collagen Premium vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo - Ảnh 1

Hiện, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng được quy định như thế nào?

Cũng giống như hoạt động quảng cáo mỹ phẩm, giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng chính là giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Do đó, việc xây dựng nội dung quảng cáo là đặc biệt quan trọng, nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng cần tuân thủ theo những quy định như sau:

– Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng trong bản công bố sản phẩm;

– Nội dung quảng cáo phải có những nội dung cơ bản bao gồm: tên thực phẩm; tên, địa chỉ của thương nhân đưa sản phẩm ra thị trường; tác dụng chính và tác dụng phụ của sản phẩm (nếu có);

– Nội dung quảng cáo không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;

– Trong nội dung quảng cáo phải có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo, nếu quảng cáo trên các phương tiện khác thì khuyến cáo phải được thể hiện bằng chữ viết rõ ràng, có màu tương phản với màu nền.

Cảnh báo: TPBVSK Pico Collagen Premium vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo - Ảnh 2

Các biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng

 Xử phạt hành chính

1. Căn cứ điểm b khoản 4; điểm b khoản 5; điểm a, b khoản 6 Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; buộc tháo gỡ, tháo dỡ sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo.

2. Căn cứ khoản 1 Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP và điểm a khoản 15 Điều 4 Nghị định số 129/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.”

3. Căn cứ điểm c khoản 4 Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; buộc tháo gỡ, tháo dỡ sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo.

Việc quảng cáo không đúng, nói quá sự thật khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng, chức năng của sản phẩm, sử dụng và bị thiệt hại thì tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường tương ứng với thiệt hại theo quy định tại Điều 608 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trách nhiệm hình sự

Người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm tù về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Thái An

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục