Nhiều ý kiến cho rằng cách làm hiện nay của NHNN là đúng đắn, nhưng để có vài ngân hàng lớn mang tầm khu vực và có khả năng dẫn dắt thị trường thì quá trình hợp nhất hoặc sáp nhập phải quyết liệt hơn nữa. Có nghĩa là cần phải có cuộc sáp nhập giữa 2 ngân hàng Nhà nước với nhau hoặc 1 ngân hàng vốn Nhà nước với 1 trong 4 đơn vị cổ phần thuộc top đầu…
Giảm càng nhanh càng tốt
Kế hoạch sẽ rút giấy phép hoạt động của 6 - 7 ngân hàng trong năm 2014 của NHNN nhận được sự ủng hộ của chuyên gia, thị trường và chính những ông chủ kinh doanh ngân hàng. CEO của một ngân hàng đang phải bán mình để tồn tại, thừa nhận sự cạnh tranh khốc liệt trong hoạt động ngân hàng vì quá nhiều ngân hàng, trong khi sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng lại không có nhiều sự khác biệt.
Theo vị CEO này, thật khó để xây dựng được những sản phẩm có tính chuyên biệt và hệ thống, khi mà cuộc cạnh tranh, giành giật khách hàng của các ngân hàng ngày càng quyết liệt. Chính vì điều đó mà việc giữ chân một khách hàng của ngân hàng là quá xa vời.
Báo cáo khảo sát về ngân hàng bán lẻ của Ernst & Young vừa công bố mới đây, cũng cho thấy sự thay đổi ngân hàng của khách hàng Việt Nam khá dễ dàng. Cụ thể, 77% khách hàng cá nhân Việt Nam đã đóng hoặc mở 1 tài khoản ngân hàng trong vòng 12 tháng qua; 66% sẵn sàng đóng tài khoản cũ và mở 1 tài khoản mới trong 12 tháng tới.
Ông Keith Pogson, lãnh đạo phụ trách dịch vụ tài chính ngân hàng EY châu Á - Thái Bình Dương, lý giải về vấn đề này là do Việt Nam hiện có tới hơn 40 ngân hàng và hầu hết đều cạnh tranh nhau 1 sản phẩm duy nhất, đó là tiền gửi. "Điều này khiến khách hàng tại Việt Nam dễ dàng thay đổi dịch vụ sang ngân hàng khác, miễn là ngân hàng đó đưa ra ưu đãi về dịch vụ và giá/phí. Nó cũng phản ánh thị trường ngân hàng", ông Keith bình luận.
Ông Keith còn cho biết khi bước xuống sân bay Việt Nam, điều đầu tiên ông rất ngạc nhiên là có tới 15 ATM của 15 ngân hàng, xếp san sát nhau. Slogan, khẩu hiệu của các ngân hàng cũng khá hao hao nhau. "Rõ ràng, vấn đề hiện nay của các ngân hàng là cần tạo nên sự khác biệt, nếu cứ na ná nhau sẽ khó tìm được lý do khiến khách hàng ở lại lâu và trung thành với chúng ta", ông Keith bình luận.
Đồng quan điểm trên, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng, cũng cho rằng số lượng ngân hàng quá nhiều chính là không chỉ nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạnh tranh khốc liệt, mà còn khiến các ngân hàng tốn nhiều chi phí đầu tư, mà nhiều khi không cần thiết. Cụ thể như máy ATM, POS. Không khó để bắt gặp những điểm mà đến gần chục cái cây ATM của nhiều ngân hàng nằm cạnh nhau, ví như ở sân bay, trung tâm thương mại, khu vui chơi, khu công nghiệp…
"Để giải quyết vấn đề này, hiện NHNN đang tiến hành tái cơ cấu ngân hàng, trong đó có việc rút bớt số lượng ngân hàng. Việc làm này là cần thiết. Có thể NHNN nên làm nhanh và quyết liệt hơn nữa", ông Hiếu nói.
Cần vài ngân hàng dẫn dắt thị trường
Ông Hiếu nhấn mạnh, việc giảm số lượng ngân hàng là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là hậu chương trình tái cơ cấu, Việt Nam cần phải có một vài ngân hàng đủ mạnh để có thể dẫn dắt thị trường và vươn lên tầm khu vực.
Đấy cũng là lý do vì sao trong những tháng đầu năm, nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, MB, SeABank… cũng cho biết kế hoạch sẽ tìm kiếm ngân hàng phù hợp để sáp nhập vào hệ thống. Đây là bước đi cần thiết để rút ngắn thời gian phát triển mạng lưới, quy mô hoạt động và thị phần.
Đồng tình với quan điểm này, ông Keith cho rằng Việt Nam hiện chưa có ngân hàng nào đủ sức thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên, trong tương lai, sẽ có 3 - 4 ngân hàng lớn như vậy, còn các ngân hàng nhỏ khác sẽ phải chịu cảnh mua bán sáp nhập, hoặc chuyển sang tập trung vào một dịch vụ chuyên biệt hơn.
Theo ông Keith, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Việt Nam chỉ mới bắt đầu. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những thương vụ sáp nhập, hợp nhất như SouthernBank vào Sacombank, Habubank vào SHB… là tốt nhưng quy mô thì chưa đủ và để đi đến một ngân hàng tầm cỡ, trụ cột quốc gia thì có thể cần nhiều hơn thế.
"Có thể cần một cuộc sáp nhập 2 ngân hàng Nhà nước với nhau hoặc 1 ngân hàng vốn Nhà nước với 1 trong 4 đơn vị cổ phần ở top đầu…", ông Keith bình luận.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng công cuộc tái cơ cấu sẽ quyết liệt hơn, bởi sự phát triển của nền kinh tế đòi hỏi các ngân hàng phải nỗ lực hơn trong hoạt động và hoàn thiện dịch vụ để chiếm lĩnh thị phần. Muốn làm được điều này, các ngân hàng bắt buộc phải đầu tư vào khai thác dữ liệu, công nghệ và đổi mới.
Tuy nhiên, dữ liệu và công nghệ là những khoản đầu tư rất đắt đỏ và trong dài hạn, sẽ chỉ có những ngân hàng lớn với tiềm lực tài chính hùng hậu mới đủ sức tham gia cuộc đua này. Với những ngân hàng nhỏ, hoặc là họ sẽ phải chịu cảnh sáp nhập với nhau, hoặc là phải tự đi tìm thị trường ngách cho riêng mình.
Theo Thời báo Kinh doanh