Theo thông báo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), mới đây, đơn vị đã nhận được văn thư số 609/22/HVC-QLD đề ngày 11/07/2022 của Công ty TNHH Dược phẩm Hisamitsu Việt Nam báo cáo về việc phát hiện các mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả, trên nhãn ghi "SALONPAS GEL Net Weight 50g, Product: PT HISAMITSU PHARMA INDONESIA Sidoarjo, Indonesia, No. Reg: POM QL. 031 700 081", kèm các thông tin về nhãn, thông tin tra cứu trên Internet.
Cũng theo nhà sản xuất, các mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả nêu trên đang được bán trên mạng xã hội Facebook, Zalo và Website https://thuocsi.vn.
Để giúp người tiêu dùng phân biệt và không mua phải sản phẩm thuốc Salonpas Gel giả, Hisamitsu Việt Nam cũng đã cung cấp bảng so sánh sau:
Để tránh việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành:
Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu. Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm (nếu có);
Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới người dân biết để không mua thuốc qua các thông tin trên mạng internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của thuốc.
Thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc về các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt giữa sản phẩm nghi ngờ là giả và thuốc do Công ty TNHH Dược phẩm Hisamitsu Việt Nam sản xuất;
Được biết, vào ngày 26/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định gồm 04 chương 91 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2020.
Theo đó, Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đối tượng bị xử phạt hành chính được quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị định, bao gồm: cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam. Hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật vi phạm các quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
Các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Nghị định này gồm có: Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh, trừ trường hợp đã được quy định tại nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác; Hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm; Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác; Hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc lá; Hành vi vi phạm về kinh doanh rượu; Hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng; Hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại; Hành vi vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hành vi vi phạm về thương mại điện tử; Hành vi vi phạm về thành lập và hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam; Các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại.
Các vi phạm hành chính khác trong hoạt động thương mại về kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; giá, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ; chứng từ, hóa đơn mua bán hàng hóa, dịch vụ; đo lường, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa lưu thông, kinh doanh trên thị trường; nhãn hàng hóa; sở hữu trí tuệ; thủ tục đăng ký kinh doanh; biển hiệu; quảng cáo thương mại; kinh doanh đấu giá hàng hóa; kinh doanh đấu thầu hàng hoá, dịch vụ; mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới và các hành vi vi phạm khác thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Đối với các hành vi đầu cơ hàng hóa, găm hàng, đấu thầu hàng hóa, dịch vụ và nhượng quyền thương mại có dấu hiệu của hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh thì áp dụng quy định về điều tra và xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Đối với hành vi vi phạm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh do cơ quan hải quan phát hiện trong địa bàn hoạt động hải quan thì áp dụng quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Trường hợp Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan chưa quy định thì áp dụng các quy định của Nghị định này.
Đáng chú ý, ngoài hình thức phạt cảnh cáo, các hành vi vi phạm còn có thể áp dụng hình thức phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra còn có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện; Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; Buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp...
Đối với thẩm quyền xử phạt trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại Điều 83 của Nghị định đã quy định rõ thẩm quyền xử phạt của lực lượng Công an nhân dân. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định này; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả...
Sở hữu trí tuệ
In bài viết