16,4 tỷ USD doanh thu thương mại điện tử
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, theo Sách trắng thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2022, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD, số lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam 2021 đã đạt 54,6 và ước tính mỗi người chi tiêu cho mua sắm 251 đô la/năm.
Dự báo, năm 2022 tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Theo báo cáo do eMarketer, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.
Hiện nay tại Việt Nam có các loại hình hoạt động thương mại điện tử như website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (bao gồm sàn giao dịch thương mại điện tử; website khuyến mại trực tuyến; website đấu giá trực tuyến) và website thương mại điện tử bán hàng.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cho hay, việc thu thuế đối với hoạt động thương mại hiện đang gặp loạt thách thức như khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế; quản lý kê khai, nộp thuế; xác định căn cứ tính thuế; kiểm soát dòng tiền.
Để quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, ông Tuấn đề xuất khi đăng ký, thông báo tài khoản thương nhân, tổ chức, cá nhân cần đồng bộ với dữ liệu của Tổng cục Thuế. Khi duyệt website, ứng dụng phải chuyển thông tin sang cơ quan thuế quản lý.
Cùng với đó, sửa đổi Nghị định 52, Nghị định 85 theo hướng ơhân cấp quản lý website TMĐT bán hàng về địa phương; Người bán đăng ký với sàn TMĐT, sau đó sàn duyệt sẽ đẩy dữ liệu người bán về Bộ Công Thương bao gồm mã số thuế, tên gian hàng. Từ đó đồng bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) với Tổng cục Quản lý Thị trường, Sở Công Thương, Tổng cục Thuế.
Nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế gần 9.300 tỷ đồng
Theo Tổng cục Thuế, hiện nay hạ tầng kỹ thuật của ngành thuế đã đáp ứng yêu cầu tập trung, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn, có khả năng phân tích cảnh báo rủi ro; đã triển khai các giải pháp an toàn bảo mật quan trọng và tiên tiến trên thế giới như: Firewall, IPS, DDOS, APT, …
Nguồn thông tin từ cơ quan thuế có thể tự động đồng bộ từ các CSDL quản lý thuế từ các phân hệ quản lý thuế theo chức năng và lĩnh vực như: đăng ký thuế, khai thuế, quản lý nợ, thanh tra kiểm tra, quản lý rủi ro, hóa đơn điện tử, báo cáo tài chính, chứng từ kế toán thuế,…
Cùng với đó đã bước đầu triển khai cơ chế tiếp nhận thông tin theo hình thức điện tử từ bên ngoài cơ quan thuế.
Đáng chú ý, ngày 21/03/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) để tiếp nhận thông tin về kê khai, nộp thuế của NCCNN không có cơ sở cố định tại Việt Nam. Đến nay đã có 62 NCCNN đã thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với số thuế là 9.281 tỷ đồng.
Ngày 15/12/2022 Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin TMĐT để tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch TMĐT trong nước. Đến nay đã có 355 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin với số lượng tổ chức cá nhân kinh doanh trên sàn là hơn 191 nghìn, tổng giá trị giao dịch lũy kế là: 44,5 nghìn tỷ.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế tăng cường thực hiện số hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu của mỗi bộ, ngành về TMĐT; Xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT theo chức năng, nhiệm vụ, trên cơ sở đó triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành phục vụ quản lý nhà nước theo đúng quy định và sử dụng các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng để kiểm soát các hoạt động TMĐT.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến TMĐT, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT giữa các lực lượng thực thi pháp luật;
Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động TMĐT, đảm bảo thống nhất, phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia;
Bước đầu các bộ ngành đã triển khai công tác phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng kế hoạch chi tiết về việc đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, dự kiến kế hoạch chi tiết giữa các bộ ngành sẽ được thống nhất trong quý 3/2023.
Theo Tổng cục Thuế, cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử là một trong những nguồn thông tin quan trọng của cơ sở dữ liệu lớn của ngành thuế.
Do đó trong thời gian tới, CSDL về TMĐT cần phải tốt hơn, đầy đủ hơn nữa để áp dụng cơ chế quản lý theo rủi ro nhằm ngăn chặn trước việc gian lận thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ cho người nộp thuế, giảm chi phí tuân thủ cũng như chi phí quản lý thuế.
Theo đó, cơ quan thuế sẽ xây dựng quy trình rà soát, tiếp nhận thông tin đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Trên cơ sở các dữ liệu đã có, xây dựng quy trình khai thác và xử lý thông tin nhằm hướng dẫn cán bộ thuế thực hiện thống nhất, hiệu quả.
Tiếp tục xây dựng cơ chế, công cụ tiếp nhận, rà soát, khai thác thông tin về kinh doanh trực tuyến qua các kênh: website kinh doanh của đối tượng kinh doanh, sàn TMĐT, mạng xã hội, nền tảng dịch vụ khác.
Triển khai Chỉ thị 18 của Chính phủ, đảm bảo sự phối hợp của các bộ ngành trong việc đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Xây dựng và triển khai hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng quản lý rủi ro trên CSDL lớn từ tất cả các nguồn thông tin từ cơ quan thuế, người nộp thuế và bên thứ ba, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2024.