Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 Quốc hội vừa thông qua, nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của Trung ương đang thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/6/ 2024: Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).
Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Từ ngày 1/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội.
Báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, nhiều ý kiến nhất trí thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 và đề nghị cần tính toán thận trọng, cân đối hợp lý, có lộ trình phù hợp, bảo đảm công bằng xã hội. Cần phải thực hiện đồng bộ giữa việc điều chỉnh mức lương cơ sở cùng với đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với xây dựng vị trí việc làm; có chính sách phù hợp, tránh cào bằng.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể chính sách cải cách tiền lương và cân đối nguồn lực trong việc thực hiện cải cách tiền lương giai đoạn 2024 - 2026 và dự báo đến năm 2030, trong đó ngoài chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, cần tính đến nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách lương, phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn, bản... để bảo đảm tính khả thi, ổn định lâu dài theo lộ trình mà Nghị quyết 27 đã quy định.