Các nhà băng sẽ ra sao khi lãnh đạo bất ngờ “dừng cuộc chơi”?

Thời gian vừa qua, hàng loạt sếp lớn ngân hàng đã “dừng cuộc chơi”. Người thì bị bắt, người chủ động xin nghỉ vì “lý do cá nhân”. Điều trùng hợp là, tất cả lãnh đạo “dừng cuộc chơi” đều làm việc ở các ngân hàng yếu kém.

Trong vài năm trở lại đây, lợi nhuận của các đơn vị trong ngành ngân hàng duy trì được mốc ngàn tỷ mỗi năm nhưng không được đánh giá cao vì vẫn chưa thấm vào đâu so với trước khủng hoảng. Dù vậy, đa số các ngân hàng đều dang dần lấy lại phong độ. Trong khi đó, một vài đơn vị lại ì ạch, chưa thoát ra khỏi khó khăn.

Trong thời gian này, hàng loạt sếp ngân hàng phải “dừng cuộc chơi”. Người thì bị bắt, người chủ động xin nghỉ vì “lý do cá nhân”. Điều trùng hợp là, tất cả lãnh đạo “dừng cuộc chơi” đều làm việc ở các ngân hàng yếu kém: Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu Khí Toàn Cầu (GP.Bank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Có thể điểm danh các lãnh đạo mới “dừng cuộc chơi”. Đó là nguyên Chủ tịch GP.Bank Tạ Bá Long và nguyên Phó chủ tịch GP.Bank Đoàn Văn An. Hai sếp lớn này bị bắt về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lýkinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau đó, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị DongA Bank và ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank cũng không tiếp tục “cuộc chơi”.

Cả GP.Bank, DongA Bank và Eximbank đều có kết quả kinh doanh không tốt trong nhiều quý trở lại đây.

Eximbank là ngân hàng có hoạt động kinh doanh thăng trầm nhất. Lợi nhuận sau thuế năm 2011 và 2012 của Eximban là 3.039 tỷ đồng và 2.139 tỷ đồng. Nhưng sang năm 2013, chỉ tiêu này giảm mạnh. Lợi nhuận sau thuế 2013 chỉ còn 659 tỷ đồng và giảm sâu xuống 56 tỷ đồng trong năm 2014.

2014 là năm hoạt động bết bát nhất của Eximbank, đặc biệt trong quý 3. Quý 3, ngân hàng này bất ngờ báo lỗ tới 678 tỷ đồng.

Quý 1/2015, các chỉ tiêu của Eximbank “đẹp” hơn một chút. Lợi nhuận sau thuế đạt 422 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ lưỡng hơn, 422 tỷ đồng chưa phản ánh đúng thực tế vì Eximbank không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Lợi nhuận thấp là kết quả của hàng loạt chỉ tiêu kinh doanh kém hiệu quả. Trong quý 1/2015, cho vay khách hàng (tín dụng) của Eximbank giảm 5,6% với dư nợ 82.264 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 2% ở mức xấp xỉ 100.000 tỷ đồng.

Đến hết quý 1/2015, ngân hàng đạt tổng tài sản 145.000 tỷ đồng, giảm 16.000 tỷ tương đương 10% so với cuối năm 2014.

Trong khi đó, DongA Bank có bước lùi sớm hơn Eximbank. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này đã sụt giảm từ 2012 với chỉ 191 tỷ đồng. Năm 2014, lợi nhuận của DongA Bank rơi xuống “đáy” với chỉ 27 tỷ đồng.

Cũng như Eximbank, quý 3/2014 là khoảng thời gian tồi tệ của DongA Bank khi ngân hàng lỗ 76 tỷ đồng sau thuế.

Ở DongA Bank, đa phần các chỉ tiêu chính đều tăng trưởng âm. Thu nhập lãi thuần chỉ đạt 1.484 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 2.228 trong quý 1/2014.

Nguyên nhân khiến cho thu nhập lãi thuần giảm là do tín dụng của ngân hàng không tăng nổi, khi năm vừa qua âm 2,3% so với năm liền trước. Trong khi đó lãi suất cho vay lại thấp khiến cho khoản lãi thu về không cao. Huy động vốn của ngân hàng cùng thời kỳ lại tăng trưởng vượt bậc. Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) năm vừa rồi chỉ đạt 2,18% trong khi năm trước đó là hơn 3,5%.

Bết bát hơn cả là GPBank. GPBank không công khai báo cáo tài chính nhưng dư luận vẫn có thể hình dung ra ngân hàng bết bát như thế nào vì mới đây GPBank đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết từ năm 2012, thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện nhiều yếu kém, rủi ro trong hoạt động của GPBank. Ngân hàng thua lỗ trong kinh doanh, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành kém hiệu quả.

Trong 3 năm qua, GPBank được tạo điều kiện để tự tái cơ cấu, song theo Ngân hàng Nhà nước đơn vị đã không trình được phương án khả thi và tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém, kinh doanh thua lỗ.

Theo VTC

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục