Các ngân hàng lại muốn lùi quy định siết vốn bất động sản

Với lý do khó huy động vốn kỳ hạn dài, các thành viên Hiệp hội Ngân hàng vừa đề xuất đổi lộ trình áp dụng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40% của Thông tư 36 sửa đổi.

Thông tin trên được lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2016 cuối tuần vừa rồi. Theo đó, thông qua Hiệp hội Ngân hàng, tập thể nhiều nhà băng đang đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh lộ trình thực hiện Thông tư 36 sửa đổi cho phù hợp.

 

Các ngân hàng lại muốn lùi quy định siết vốn bất động sản - Ảnh 1
Các ngân hàng lại muốn lùi quy định siết vốn bất động sản. Ảnh minh họa

 

 

Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động với nhiều nội dung siết chặt tín dụng cho bất động sản dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2017. Dự thảo này đề xuất giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ mức 60% hiện nay xuống còn 40%. Ngoài ra, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi trong cho vay bất động sản cũng dự kiến được nâng từ 150% hiện nay lên 250%. Không riêng gì doanh nghiệp bất động sản, bản thân các ngân hàng thương mại cũng cho rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu quy định này có hiệu lực.

Theo ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, các nhà băng kiến nghị điều chỉnh lộ trình áp dụng Thông tư 36 nhằm phù hợp với đặc điểm huy động vốn của Việt Nam. Theo đó, họ rất khó huy động vốn kỳ hạn dài do tâm lý gửi tiền ngắn hạn của người dân vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, nếu giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, sẽ gây khó cho các ngân hàng.

Thực tế là mặt bằng lãi suất huy động đã thực sự tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn kể từ sau khi Dự thảo Thông tư 36 sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến. Các nhà băng liên tục điều chỉnh lãi suất ở kỳ hạn dài để khuyến khích khách gửi tiền. Tuy nhiên, mức huy động vốn vẫn không như kỳ vọng nên nhiều đơn vị phải tăng lãi suất ở cả kỳ hạn ngắn, hay thậm chí có nơi xuất hình tình trạng "đi đêm" để đón đầu sửa đổi của Thông tư 36.

Hầu hết các nhà băng mạnh tay cho vay bất động sản đều khẳng định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vẫn dưới 40% nên vẫn đảm bảo quy định nếu Ngân hàng Nhà nước kiên quyết áp dụng ngay từ đầu năm 2017. Cụ thể, như tại BIDV, Tổng giám đốc Phan Đức Tú cho biết tỷ lệ này là 37%. "Nếu Ngân hàng Nhà nước không thay đổi lộ trình thực hiện, BIDV vẫn có thể đáp ứng được các quy định", ông nói.

Còn với SHB, theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 32,4%. "Nếu điều chỉnh thông tư 36 thì tỷ lệ của SHB vẫn đảm bảo và chủ trương của SHB năm 2016 cũng là giảm dần tín dụng trung dài hạn và tăng tín dụng ngắn hạn", ông nói.

Trong khi đó, với nhiều nhà băng khác, tỷ lệ này lại khá thấp (dưới 30%). Trả lời cổ đông hôm 15/4 trong cuộc họp ĐHCĐ, lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tự tin cho biết dư địa cho vay trung và dài hạn còn rất lớn khi tỷ lệ này mới đạt 24% nên không bị ảnh hưởng nhiều.

Tương tự, tại Ngân hàng Á Châu (ACB), dư nợ bất động sản hiện khoảng 2.500 tỷ đồng, không lớn so với tổng dư nợ chung. Ngoài ra hệ số cho vay trung dài hạn bằng vốn ngắn hạn mới chỉ ở mức 27%. "Như vậy trong ngắn hạn thì chưa tuy nhiên dài hạn có thể ảnh hưởng. Ban lãnh đạo cũng đang tìm ra phương án khai thác và điều chỉnh dòng vốn hiệu quả", lãnh đạo ACB nói.

Ngoài ra, nếu hệ số cho vay bất động sản từ 150% lên 250% theo sửa đổi của Thông tư 36 thì năng lực cho vay của nhiều ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Hiện lãi suất cho vay bất động sản hiện cũng gần gấp đôi lãi suất thương mại thông thường (chỉ 8,5% một năm). Do đó, theo đại diện ACB, nếu Thông tư 36 có hiệu lực, cho vay bất động sản giảm thì nguồn thu của ngân hàng cũng giảm theo.

Theo Vnexpress

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục