Niên độ tài chính hay còn được gọi là năm tài chính được hiểu là khoảng thời gian có độ dài tương đương một năm dùng cho công tác kế hoạch ngân sách của tổ chức hoặc quốc gia. Niên độ tài chính có độ dài tương đương với năm lịch, vì theo truyền thống, cứ ít nhất khoảng một năm các tổ chức phải lập báo cáo tài chính hoặc khai báo thuế một lần.Hiện nay đa số các công ty niêm yết ở Việt Nam đều chọn niên độ tài chính trùng với năm Dương lịch, từ ngày 1/1 đến 31/12 hằng năm. Đổi niên độ tài chính đang là xu hướng chung của thế giới vì điều này sẽ phù hợp với đặc thù từng quốc gia, từng ngành trong nền kinh tế. Tuy nhiên ở Việt Nam các doanh nghiệp lại không mấy mặn mà với việc này. Hiện nay trên thị trường chứng khoán mới chỉ có 11 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi niên độ tài chính.
So với hơn 660 doanh nghiệp niêm yết thì con số này chỉ tương đương với tỷ lệ rất thấp, chưa đến 2%. Các doanh nghiệp được xem là đi tiên phong trong việc này có: Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) thay đổi niên độ từ năm 2008, Nông dược H.A.I (HOSE: HAI) và Tanimex (HOSE: TIX) năm 2009.
Danh sách các công ty niêm yết đã đổi niên độ tài chính
Việc thay đổi niên độ tài chính sẽ giúp cho công ty có thể hoàn tất và thanh toán tất cả các hợp đồng cũng như sẽ có nhiều thời gian hơn để thảnh thơi trong kỳ nghỉ Tết mà không lo vướng bận công việc.
Ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng Giám đốc Công ty kiểm toán KPMG Việt Nam cho rằng số liệu trên BCTC sẽ phản ánh đúng thực trạng doanh nghiệp hơn nếu doanh nghiệp lựa chọn niên độ tài chính phù hợp. Như các doanh nghiệp bánh kẹo, Tết Nguyên đán là thời điểm mà doanh thu cao nhất, hàng hóa tiêu thụ tốt nhất thì nên có niên độ tài chính kết thúc vào cuối tháng 3, như vậy báo cáo tài chính sẽ phản ánh thực chất kết quả kinh doanh hơn. Việc thay đổi niên độ diễn ra còn chậm chạp ở Việt Nam được ông cho rằng là còn mới nên các doanh nghiệp chưa thích ứng còn trên thế giới các nước đã làm từ rất sớm.
Các công ty mía đường trong thời gian gần đây được cho là đang rất tích cực trong việc thay đổi niên độ tài chính. Điển hình như CTCP Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh (HOSE: SBT) đã thông qua việc chuyển đổi niên độ tài chính bắt đầu từ 01/07 và kết thúc vào 30/06 năm sau. Trong giai đoạn chuyển đổi thì niên độ sẽ áp dụng là 01/01/2014 đến 30/06/2014, năm tài khóa thứ hai trở đi áp dụng từ 01/07 năm này đến 30/06 năm liền kề. Tiếp bước STB, CTCP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (HOSE: SEC) cũng nhất trí đổi niên độ tài chính bắt đầu từ ngày 01/07 năm trước đến 30/06 năm tiếp theo.
Sở dĩ các công ty mía đường tỏ ra nhanh nhẹn trong việc này vì đặc thù ngành mía đường là tính chu kỳ thời vụ. Việc thu hoạch, vận chuyển và sản xuất diễn trong một khoảng thời gian nhất định của năm nhưng chịu sự chi phối của các yếu tố như thời tiết, khí hậu, sâu bệnh… Ngoài việc các công đoạn từ trồng mía, thu hoạch, sản xuất, cất trữ, tiêu thụ là các khâu tách rời nhau gây khó khăn trong việc hạch toán, báo cáo tài chính thì tính mùa vụ trong kinh doanh cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này.
Việc thay đổi niên độ năm tài chính với các doanh nghiệp mía đường sẽ có các lợi ích sau:
- Phù hợp với đặc trưng mang tính mùa vụ của cây trồng: Chu kỳ sinh trưởng của cây mía, thường bắt đầu từ tháng 7 cho đến tháng 12 và kết thúc vào tháng 4 cho đến tháng 6 (tùy vùng miền và tùy thời điểm vào vụ của các nhà máy) do vậy công tác lập kế hoạch cho vụ sản xuất mới thường đi theo chu kỳ sinh trưởng của cây mía.
- Giảm áp lực cho công ty kiểm toán trong việc thực hiện kiểm tra sổ sách tài chính của doanh nghiệp vào cuối năm. Với 700 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán chưa kể đến hàng loạt các doanh nghiệp khác trên thị trường, các công ty kiểm toán đều phải tra soát hết tình hình tài chính vào giữa năm, đặc biệt là cuối năm. Điều này tạo nên một áp lực rất lớn cho các cơ quan này.
- Tránh những tác động xấu lên thị trường chứng khoán. Việc hàng loạt các công ty công bố báo cao tài chính trên thị trường trong một thời điểm dễ gây ra hiệu ứng domino làm tăng giảm đồng loạt, thậm chí tới cả những mã chứng khoán không liên quan, ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. Vì vậy, việc thay đổi niên độ tài chính là điều cần thiết và phù hợp với nhu cầu thực tế.
Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu một doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép cũng chọn niên độ tài chính từ ngày 1/10 và đến 30/9 của năm kế tiếp để phù hợp với mùa vụ kinh doanh. Trong ngành thép, mùa cao điểm thường rơi vào tháng 3. Đến mùa mưa, thường vào các tháng 6, 7, thì nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh và xem như kết thúc một chu kỳ kinh doanh. Do đó, họ chọn tháng 9 để kết toán sổ sách.
Việc thay đổi niên độ tài chính sẽ giúp doanh nghiệp tránh một số rắc rối về thủ tục hoặc sự thay đổi chính sách vào cuối năm. Đối với doanh nghiệp niêm yết, ngày 31/12 là thời điểm phải nộp báo cáo cho các cơ quan quản lý như Sở Giao dịch Chứng khoán, cơ quan thuế… Cũng thời điểm này, doanh nghiệp phải giải quyết các vấn đề nội bộ như lương thưởng, nghỉ phép… Đặc biệt, các quy định của cơ quan quản lý về điều chỉnh hoạt động kinh doanh (như trích lập dự phòng, đánh giá lại các khoản đầu tư…) thường có hiệu lực vào cuối năm. Vì vậy, nếu kết sổ sớm, kết quả kinh doanh sẽ dễ bị ảnh hưởng. Một lý do khác cũng khá quan trọng là đa số doanh nghiệp kết thúc niên độ tài chính vào 31/12 nên nhu cầu kiểm toán cũng trở thành cao điểm.
Khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt tay với doanh nghiệp trong nước thì niên độ tài chính cũng cần phải được điều chỉnh để phù hợp hơn với văn hóa hai bên. Hiện nay, Việt Nam chấp nhận 4 loại năm tài chính, mỗi năm gồm 12 tháng và bắt đầu bằng ngày đầu tiên của tháng đầu quý (ngày 1/1, 1/4, 1/7 và 1/10). Bộ Tài chính cũng chấp nhận năm tài chính 13-14 tháng nhưng trường hợp này rất cá biệt.
Chu Quỳnh ( TH)