Bức tranh kinh doanh u ám của doanh nghiệp bảo hiểm: Lợi nhuận tại MIG giảm sâu nhất, BLI lỗ nặng

Các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận quả kinh doanh quý 2/2022 và 6 tháng đầu năm 2022 không mấy lạc quan do diễn biến của thị trường chứng khoán không thuận lợi khiến...

Từng là cứu cánh giúp lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng tích cực, song hoạt động tài chính hiện nay lại trở thành “lực cản” kéo lùi lợi nhuận.

Kết quả kinh doanh quý 2/2022 và 6 tháng đầu năm 2022 của các doanh nghiệp bảo hiểm không mấy lạc quan do diễn biến của thị trường chứng khoán không thuận lợi khiến đầu tư tài chính kéo lùi lợi nhuận. Đồng thời, chi phí bồi thường có xu hướng tăng mạnh trở lại khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm ‘đi lùi’.

Bức tranh kinh doanh u ám của doanh nghiệp bảo hiểm: Lợi nhuận tại MIG giảm sâu nhất, BLI lỗ nặng - Ảnh 1

Đầu tư tài chính và chi phí bồi thường ‘kéo lùi’ lợi nhuận

Điển hình tại Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH). Do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý 2/2022 tiếp tục là gánh nặng với hơn 10.207 tỷ đồng, tăng tương đương doanh thu ở mức 9%, khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm có lợi nhuận giảm 31%, còn gần 127 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước đây, hoạt động đầu tư - kinh doanh chứng khoán vốn là ‘phao cứu sinh’ cho lợi nhuận, nhưng kỳ này bỗng bốc hơi đến 74%, chỉ thu về hơn 54 tỷ đồng. Vì vậy, doanh thu hoạt động tài chính chỉ tăng nhẹ 3% lên hơn 2.423 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí trong kỳ bất ngờ tăng tới 60% khi chi phí repo và lãi vay gấp 2,4 lần và chi phí dự phòng gấp 3,2 lần. Vì vậy, lợi nhuận từ hoạt động tài chính chỉ thu về hơn 1.859 tỷ đồng, giảm 7% so cùng kỳ.

Với việc hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính đều giảm khiến lợi nhuận sau thuế tại BVH giảm 32%, thu về hơn 317 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, BVH đạt hơn 473 tỷ đồng lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm, tăng 41% so cùng kỳ; trong khi lợi nhuận đầu tư tài chính giảm 3%, còn hơn 3.886 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận của BVH giảm 14%, xuống còn 828 tỷ đồng.

Cùng cảnh ngộ, trong quý 2/2022, Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (mã: PGI) ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 12%, còn 189 tỷ đồng và đầu tư tài chính giảm mạnh 43%, thu về chưa đến 10 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm 30% so với cùng kỳ, chỉ ghi nhận gần 74 tỷ đồng.

Theo giải trình của PGI, nguyên nhân khiến lợi nhuận Công ty giảm trong quý 2 chủ yếu do dự phòng phí quý 2/2022 được hoàn nhập thấp hơn cùng kỳ năm trước và tỷ lệ bồi thường thuần tăng do không còn giãn cách xã hội bởi dịch COVID-19.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, PGI đạt hơn 144 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 11% so với cùng kỳ, khi lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm đi ngang và lợi nhuận đầu tư tài chính giảm 13%, còn hơn 28 tỷ đồng.

Tương tự, một doanh nghiệp bảo hiểm khác là Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã: BIC) – công ty con của ngân hàng BIDV ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2 giảm tới 52% so với cùng kỳ, còn gần 47 tỷ đồng.

Nguyên nhân do chi phí tăng cao hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ đạt hơn 113 tỷ đồng, giảm 14%. Đồng thời do đầu tư tài chính của BIC giảm 27%, chỉ có lãi gần 69 tỷ đồng, chủ yếu do BIC chuyển từ hoàn nhập dự phòng hơn 3 tỷ đồng ở kỳ trước sang trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư hơn 13 tỷ đồng trong quý 2 năm nay.

Tổng kết 6 tháng đầu năm 2022, với lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm chỉ tăng nhẹ 4% và lợi nhuận hoạt động tài chính giảm 24%, BIC ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 125 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng ngậm ngùi báo lãi giảm mạnh là trường hợp tại CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (mã: ABI) - công ty con của ngân hàng Agribank.

Do chi phí bồi thường quý 2/2022 tăng tới 32% lên hơn 179 tỷ đồng, chi phí khác tăng 21% và dự phòng dao động lớn tăng 12% khiến tổng chi phí bảo hiểm tăng 26%, lên hơn 332 tỷ đồng. Dẫn đến lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm giảm 19%, còn hơn 137 tỷ đồng.

Thêm vào đó, lợi nhuận hoạt động tài chính đi ngang, đạt hơn 31 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý tăng 26%. Do đó, ABI báo lãi sau thuế quý 2 giảm tới 50%, còn hơn 43 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận tại ABI giảm tới 41%, chỉ thu về hơn 99 tỷ đồng lãi sau thuế.

Bức tranh kinh doanh u ám của doanh nghiệp bảo hiểm: Lợi nhuận tại MIG giảm sâu nhất, BLI lỗ nặng - Ảnh 2

Một doanh nghiệp bảo hiểm lỗ tới 52 tỷ đồng

Quý 2/2022, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm càng thêm ‘thê lương’ hơn khi có công ty làm ăn thua lỗ.

Cụ thể, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (mã: BLI) trong quý 2/2022 lỗ ròng gần 52 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 lãi hơn 21 tỷ đồng) do phát sinh một số vụ bồi thường lớn làm tăng chi phí bồi thường đến 86%, lên hơn 130 tỷ đồng; chi phí khác cũng tăng tới 46% lên gần 158 tỷ đồng khiến tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh 61% so cùng kỳ, lên gần 291 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu phí bảo hiểm chỉ tăng 9% đạt gần 397 tỷ đồng.

Vì vậy, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BLI giảm tận 99%, chỉ còn hơn 714 triệu đồng. Thêm vào đó, lợi nhuận hoạt động đầu tư tài chính giảm 41%, chỉ thu về hơn 17 tỷ đồng do doanh thu giảm 12% khi tình hình thị trường chứng khoán bất ổn.

Đáng chú ý, công ty con của ngân hàng MBBank, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội (mã: MIG) tuy không báo lỗ quý 2 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm đến 78%, chỉ thu về vỏn vẹn gần 17 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của MIG kể từ quý 3/2020.

Nguyên nhân do tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng cao hơn doanh thu, ghi nhận mức tăng 36%, lên hơn 732 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu phí bảo hiểm tăng 24%, đạt gần 835 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 24% xuống còn gần 103 tỷ đồng. Đồng thời, do doanh thu hoạt động tài chính quý 2 giảm 32% về còn hơn 48 tỷ đồng, khiến lợi nhuận giảm 28% so cùng kỳ, còn gần 48 tỷ đồng.

Theo báo cáo cập nhật về ngành bảo hiểm gần đây, CTCP Chứng khoán SSI cũng cho rằng kết quả lợi nhuận quý II/2022 sẽ không mấy khả quan đối với hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm do diễn biến của thị trường chứng khoán không thuận lợi. Ngoại trừ ABI, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đều có đầu tư cổ phiếu.

Năm 2021, đầu tư cổ phiếu chiếm khoảng 2-9% tổng danh mục đầu tư và chiếm 10-46% lợi nhuận đầu tư. Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư cổ phiếu làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng.

Bức tranh kinh doanh u ám của doanh nghiệp bảo hiểm: Lợi nhuận tại MIG giảm sâu nhất, BLI lỗ nặng - Ảnh 3

Vẫn có doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng tích cực

Mặc dù bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm ảm đạm trong quý 2/2022 và cả nửa đầu năm nhưng vẫn còn số ít doanh nghiệp duy trì đà tăng tích cực.

Điển hình tại Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (mã: AIC), riêng quý 2, hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm đến 51% so cùng kỳ, còn hơn 20 tỷ đồng, do chi phí bồi thường bảo hiểm, chi phí khác và dự phòng đều tăng cao.

Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận từ hoạt động tài chính gần 86 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu hoạt động tài chính khác cao gấp 7,4 lần cùng kỳ, đạt hơn 88 tỷ đồng, giúp AIC vẫn có lãi ròng hơn 17 tỷ đồng, cao gấp 12 lần cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm tăng 8% so cùng kỳ, đạt hơn 75 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng vẫn cao gấp 11 lần cùng kỳ, đạt gần 34 tỷ đồng do lợi nhuận từ hoạt động tài chính cao gấp 2,6 lần cùng kỳ, lên hơn 102 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại Tổng CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare, mã: VNR), quý 2/2022 dù doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm giảm 5% so với cùng kỳ 2021, còn hơn 391 tỷ đồng nhưng vẫn có lợi nhuận ròng tăng 42%, đạt hơn 96 tỷ đồng.

Nguyên nhân do VNR có lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ, đạt hơn 60 tỷ đồng, do chi phí bồi thường bảo hiểm giảm 17% và chi phí khác giảm 13% khiến chi phí kinh doanh bảo hiểm giảm mạnh hơn doanh thu (giảm 14%). Thêm vào đó, hoạt động tài chính có lợi nhuận tăng 12% so cùng kỳ, đạt hơn 74 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, VNR đạt gần 180 tỷ đồng lãi ròng, lùi nhẹ 1% so cùng kỳ, do lợi nhuận hoạt động tài chính giảm 27%.

Kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý 2/2022 tại một số doanh nghiệp bảo hiểm (đvt: tỷ đồng)
Kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý 2/2022 tại một số doanh nghiệp bảo hiểm (đvt: tỷ đồng)

Kết quả khảo sát mới đây của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến mức tăng doanh thu ngành bảo hiểm năm 2022 chỉ từ 10 - 14%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng thực tế năm 2021 (24,98%). Trong đó các doanh nghiệp mảng phi nhân thọ khá thận trọng với kế hoạch tăng lợi nhuận âm hoặc dương nhưng với mức thấp hơn tốc độ tăng doanh thu phí bảo hiểm gốc.

Nguyên nhân của mức kỳ vọng tăng trưởng doanh thu thấp trong năm đến từ ba yếu tố chính gồm xu hướng giảm đà tăng trưởng của nhóm bảo hiểm nhân thọ đã rõ nét hơn trong hai năm trở lại đây, các khoản chi phí tăng mạnh trở lại và cơ hội đầu tư ảm đạm.

Còn SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngành bảo hiểm vẫn sẽ khả quan trong năm 2022. Đà tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm duy trì ổn định giữa các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (tăng 14,5% so với cùng kỳ) và giảm nhẹ ở các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (tăng 12,6%). Nhóm phân tích kỳ vọng tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm sẽ tăng mạnh hơn trong quý 3/2022.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm của thị trường bảo hiểm Việt Nam ước đạt 136.951 tỷ đồng, tăng 15,24% (so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 13,6% và bảo hiểm nhân thọ tăng 15,9%.

 

Hà Phương

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục