Theo đó, Bộ Y tế đã tập hợp các chuyên gia đầu ngành về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, độc học, sức khỏe… cả trong và ngoài nước để đánh giá mức độ an toàn hải sản 4 tỉnh miền Trung.
Đợt nghiên cứu quy mô lớn đã lấy hơn 1.000 mẫu hải sản ở tất cả các cảng cá, gò cá, các thuyền đánh bắt, đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung. Bộ Y tế cũng lấy 300 mẫu khác tại Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu là các tỉnh không bị ô nhiễm, để so sánh.
Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng hải sản sống tầng đáy, trong vòng 20 hải lý, làm thực phẩm (Ảnh minh họa)
Từ kết quả nghiên cứu, Bộ Y tế kết luận, tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, trích, đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều an toàn để dùng làm thực phẩm.
Các hải sản như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.
Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng các loại hải sản sống ở tầng đáy nêu trên trong vòng 20 hải lý.
UBND 4 tỉnh Hà Tĩnh- Thừa Thiên Huế chỉ đạo các Sở NN&PTNT, Sở Công thương phân loại hải sản theo từng lô, Sở Y tế lấy mẫu và trả kết quả cho đơn vị quản lý. Chỉ cho phép lưu hành lô sản phẩm khi được xét nghiệm an toàn, bằng không phải tiêu hủy.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục giám sát định kỳ với hải sản 4 tỉnh miền Trung và hải sản tầng đáy trong phạm vi 20 hải lý.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD.
Thu Hà (TH theo An ninh thủ đô, Vnepxress)