Bộ trưởng Bộ Tài chính: Không để đại lý và môi giới bảo hiểm ép khách hàng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ tiếp tục được hoàn thiện đặc biệt quy định các hành vi nghiêm cấm, quy định về đại lý bảo hiểm và môi giới dịch vụ bảo hiểm để nâng cao tính chuyên nghiệp và tránh lợi dụng để ép buộc khách hàng.

Tránh biến dịch vụ bảo hiểm thành đa cấp

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 29/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). 

Quan tâm đến lĩnh vực bảo hiểm bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình), chỉ ra rằng, dự thảo Luật có quy định về bảo hiểm bắt buộc một số loại hình bảo hiểm cụ thể như bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hay bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Nhưng thực tế trong quá trình vận hành hoạt động xã hội thì có rất nhiều loại hình dịch vụ hoặc phi dịch vụ có nguy cơ tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa hoặc tai nạn khó lường không thể tránh khỏi như trong dịch vụ vận tải và trong dịch vụ hàng không.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Vì thế, đại biểu đoàn Thái Bình đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định Chính phủ có thẩm quyền quyết định một số loại hình bảo hiểm bắt buộc do người thụ hưởng hoặc sử dụng dịch vụ buộc phải mua gắn kèm theo phí sử dụng dịch vụ, gắn kèm trong các gói chi phí khác, kể cả đối với người nước ngoài khi sử dụng các dịch vụ.

Cũng theo đại biểu, trong thực tiễn phải hết sức lưu ý đến việc lợi dụng các loại hình kinh doanh dịch vụ bảo hiểm để hình thành các loại huy động vốn, nhất là huy động vốn đa cấp thông qua nhiều kênh khác nhau. Cụ thể, mỗi người mua lại biến thành một đại lý ảo, đại lý không chính thức rồi quay lại tìm kiếm, lôi kéo những người mua cấp thấp hơn. Từ đó hình thành đường dây đa cấp và dẫn đến rủi ro, đổ vỡ. Mặc dù trong quy định của luật cũng ghi khá rõ tiêu chuẩn của đại lý như thế nào, quy định bảo hiểm phải có hợp đồng ra sao, quy định rõ trách nhiệm của bên bán và bên mua...

"Nhưng hiện nay, chúng ta có loại hợp đồng chung, hợp đồng giao kết điện tử trên môi trường không gian mạng, đây chính là sơ hở để các đối tượng kinh doanh đa cấp có thể lợi dụng. Đề nghị nên cân nhắc bổ sung các điều khoản quy định chặt chẽ hơn hoặc nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cơ quan chức năng để đảm bảo quản lý và chế tài đối với các vấn đề phát sinh nêu trên", đại biểu Dung kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) chỉ rõ, hiện nay tình trạng mời gọi, giới thiệu, quảng bá sản phẩm bảo hiểm một cách thái quá diễn ra với nhiều hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua các hoạt động nhắn tin, điện thoại thường xuyên, liên tục của một bộ phận không nhỏ nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm đã thật sự gây nhiều phiền toái cho khách hàng. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc cung cấp thông tin không trung thực từ một phía hoặc cả 2 phía khi phát sinh sự kiện bảo hiểm.

Theo đại biểu Minh Trang, cần thiết phải có những quy định thật rõ, thật cụ thể về các hành vi cấm trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, của đối tượng tham gia trong các hoạt động bảo hiểm và kinh doanh bảo hiểm, không chỉ ở hành vi của doanh nghiệp bảo hiểm và người thụ hưởng, người được bảo hiểm mà cả hành vi của người môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm cũng như cộng tác viên. Trong đó, cần thiết phải nghiêm cấm hành vi cung cấp thông tin bảo hiểm sai sự thật, quảng cáo thông tin không đúng sự thật nhằm thực hiện nghiêm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng chế tài xử lý đối với cả pháp nhân và cá nhân vi phạm.

Bảo hiểm đổ vỡ ảnh hưởng tới nhiều người

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện các khái niệm, quy định các hành vi nghiêm cấm và quy định cụ thể về bảo hiểm bắt buộc, quy định rõ hơn, cụ thể hơn về hợp đồng bảo hiểm bảo đảm phù hợp với Bộ luật Dân sự và các bộ luật khác, đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm như là chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, vô hiệu hợp đồng, nguyên tắc bồi thường,… Quy định về đại lý bảo hiểm và môi giới dịch vụ bảo hiểm sẽ hoàn thiện và nâng cao tính chuyên nghiệp và tránh lợi dụng để ép buộc khách hàng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình).
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho hay, sẽ đưa các nội dung cần thiết đối với bảo hiểm vi mô vào chương Bảo hiểm vi mô như về điều kiện thành lập, tổ chức tương hỗ, sản phẩm, nguyên tắc hoạt động, sản phẩm bảo hiểm vi mô và đảm bảo tính khả thi phục vụ cho cuộc sống, trợ giúp người nghèo, người yếu thế.

Nhấn mạnh, bảo hiểm vi mô là một loại hình bảo hiểm mới và đồng thời cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với những người yếu thế, thì bảo hiểm vi mô mang tính lợi nhuận không cao và mang tính rủi ro, khi quy định về vấn đề này hiện nay cần có sự linh hoạt. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị đưa vào dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành.

Về việc cung cấp thông tin và lo ngại về bí mật của cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật đã quy định rất rõ việc cung cấp thông tin tuân thủ Điều 21 Hiến pháp, Điều 38 Luật Dân sự, Luật An ninh mạng và các luật khác. Thông tin được mã hóa và được phân cấp quản lý đảm bảo đúng quy định, chịu trách nhiệm bảo mật về thông tin.

Về ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị ghi rõ các loại bảo hiểm bắt buộc, Bộ trưởng nêu, Dự thảo chỉ đưa vào ba loại bảo hiểm bắt buộc, còn các loại bảo hiểm khác được Quốc hội quy định. Hiện nay, Quốc hội quy định theo các luật chuyên ngành, có 44 luật và không loại trừ về bảo hiểm bắt buộc trong tương lai. Do đó, trong luật này chỉ quy định khái quát mà không ghi cụ thể từng loại. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, theo kinh nghiệm quốc tế để bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội cũng chỉ đưa ra 3 loại bảo hiểm là bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc, bảo hiểm cháy, nổ và bảo hiểm xây dựng được quy định rõ trong luật, còn các loại hình bảo hiểm khác theo các luật chuyên ngành.

Về việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ bảo hiểm và đại lý bảo hiểm, môi trường bảo hiểm, dự thảo Luật giao cho Bộ Tài chính, theo đó, Bộ Tài chính chỉ giữ vai trò tổ chức thi và cấp chứng chỉ; đối với phần bồi dưỡng, đào tạo đã chuyển giao cho các doanh nghiệp, cho nhà trường, cho các hội.

Người đứng đầu ngành Tài chính nêu rõ, bảo hiểm là một ngành kinh doanh có điều kiện cũng giống chứng khoán, kiểm toán và định giá, cho nên đối với doanh nghiệp kiểm toán độc lập hay định giá, chứng khoán đều tổ chức thi và cấp chứng chỉ để quản lý một cách có chất lượng. Hơn nữa, bảo hiểm là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và chuyên sâu cần được quản lý. Một khi doanh nghiệp bảo hiểm đổ vỡ thì ảnh hưởng cũng tương tự như ngân hàng thương mại đổ vỡ, ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều người người tham gia bảo hiểm và an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, do đây là luật có tính chất chuyên môn cao, cho nên cơ quan chủ trì sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật hoàn thiện để đảm bảo luật một cách tốt nhất.

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục