Bộ Tài chính tiếp tục bác đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô nội

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình số 97/TTr-BTC ngày 31/5 về đề xuất mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tại Tờ trình này, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị Thường trực Chính phủ chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Bộ Tài chính cho biết, thời điểm năm 2020 và năm 2022 là thời điểm dịch Covid-19 trong nước đã dần được kiểm soát mặc dù trên thế giới vẫn còn nghiêm trọng. Tại thời điểm đó, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước là do đứt gẫy chuỗi cung ứng dẫn đến gián đoạn nguồn cung, nhu cầu mua xe của người dân vẫn nhiều, chưa chịu ảnh hưởng của yếu tố lạm phát.

Theo đó, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP đã khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu mua xe của người dân để được hưởng ưu đãi của chính sách, dẫn đến số lượng tiêu thụ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên mạnh nên nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ LPTB, thuế TTĐB, thuế GTGT đã bù đắp được phần giảm thu LPTB về mặt chính sách.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn hiện nay, sức mua và tiêu dùng đã khác so với bối cảnh trong giai đoạn năm 2020 - 2022, nhu cầu mua xe của người dân được đánh giá là thấp hơn. Việc tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước vào giai đoạn hiện nay dự báo khó có thể phát huy được tác dụng kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng như giai đoạn trước.

Bộ Tài chính nhận định, việc tăng thu từ thuế TTĐB và thuế GTGT sẽ không thể đạt được như giai đoạn trước để có nguồn bù đắp cho việc giảm LPTB. Theo đánh giá, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu NSNN về LPTB khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu LPTB về mặt chính sách là 8.727 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian qua được đánh giá là chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO, các FTA, nguy cơ bị phản ứng, khiếu kiện từ các nhà nhập khẩu và các tổ chức quốc tế. Bộ Tài chính dẫn lời Bộ Ngoại giao, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là kéo dài quá thời gian cần thiết.

Tại Tờ trình, Bộ Tài chính cũng cho biết, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến, cân đối với điều kiện thực tế, từ đó đã và đang nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp, trong đó tập trung nghiên cứu đề xuất triển khai một số giải pháp ngay từ đầu năm 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân (trong đó có doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước) với tổng gói hỗ trợ khoảng khoảng 186.700 tỷ đồng (trong đó gói miễn, giảm thuế là 65.500 tỷ đồng và gói gia hạn thuế là 121.200 tỷ đồng).

Cụ thể tiếp tục thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023 với số giảm thu NSNN dự kiến khoảng 38.000 tỷ đồng; Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ thanh khoản, giúp doanh nghiệp, người dân giải quyết khó khăn về vốn trong sản xuất kinh doanh trong năm 2023 với số tiền thuế, tiền thuê đất dự kiến được xem xét gia hạn là hơn 110.000 tỷ đồng; Giảm tiền thuê đất năm 2023 với số giảm thu NSNN dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng; Chính phủ đang trình Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023, với số giảm thu NSNN khoảng 24.000 tỷ đồng;

Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Nghị định gia hạn thuế TTĐB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo trình tự, thủ tục rút gọn, với số tiền thuế dự kiến được gia hạn là 11.200 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại Thông báo số 194/TB-VPCP, ý kiến tham gia của các Bộ tại cuộc họp ngày 23/5/2023 và phân tích nêu trên, Bộ Tài chính trình Thường trực Chính phủ, chưa thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước như đã báo cáo tại Công văn số 4295/BTC-CST ngày 28/4/2023 của Bộ Tài chính.

Trong trường hợp Thường trực Chính phủ quyết định thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước thì đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước để thực hiện năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.

An Nhiên

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục