Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn cho năm 2015 và triển khai nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Đinh Tiến Dũng vừa yêu cầu Vụ Tài chính Ngân hàng phải phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để đề nghị tạm ứng hoặc cho Nhà nước vay khoảng 30.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Vụ Tài chính Ngân hàng chủ động trong việc xin phép phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm cho đầu tư phát triển và đảo nợ. Đồng thời yêu cầu Kho bạc Nhà nước phải đảm bảo huy động đủ 250.000 tỷ đồng được giao và phát hành khoảng 20.000 tỷ đồng tín phiếu Kho bạc để đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Bộ Tài chính muốn vay khoảng 30.000 tỷ đồng từ NHNN
Tuy nhiên trong thời gian gần đây việc phát hành trái phiếu Chính phủ gặp nhiều khó khăn, thậm chí ngay cả khi Bộ Tài chính đã nâng lãi suất lên tới mức 6,4% nhưng vẫn khó thu hút được vốn trên thị trường.
Trong khi đó theo dự kiến mức chi của Ngân sách Nhà nước cho năm 2015 ở mức 1147,1 nghìn tỷ đồng còn mức thu thì lại chỉ là 911,1 nghìn tỷ đồng. Điều đương nhiên mức chênh lệch thu - chi sẽ được bù đắp thông qua vay nợ, trong đó có kênh phát hành trái phiếu Chính phủ.
Trước đó Thứ trưởng Tài chính - Vũ Thị Mai cũng đã bày tỏ những lo ngại việc phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp cho ngân sách Nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn.
Và nếu như không thể vay đủ được số tiền chênh này thì diễn biến có thể nhìn thấy trước đó là các khoản chi tiêu, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, sẽ bị cắt giảm và ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Chính vì vậy Bộ Tài chính đã buộc phải đưa ra đề xuất tạm ứng hoặc vay 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước.
Thực chất nếu phân tích sâu hơn thì có thể thấy rằng ngay cả khi trái phiếu chính phủ sau khi các ngân hàng thương mại mua nhưng rồi chiết khấu lại cho NHNN thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) thì cuối cùng bản chất vẫn là Ngân hàng Nhà nước cho Chính phủ vay mà thôi.
Minh Quân (TH theo VTV; Trí thức trẻ; NDH; Đất Việt)