Bộ Tài chính bác đề xuất thuế của nhiều ông lớn ngành ôtô

Trước kiến nghị của Toyota, Ford về nới điều kiện và bổ sung một số linh kiện, phụ tùng vào diện hưởng thuế 0%, Bộ Tài chính không đồng tình do trong nước đã sản xuất được.

Bộ Tài chính vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Trong tờ trình gửi Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cho biết không ủng hộ kiến nghị giảm điều kiện về sản lượng trong chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ôtô.

Bộ Tài chính bác đề xuất của loạt ông lớn ngành ô tô.
Bộ Tài chính bác đề xuất của loạt ông lớn ngành ô tô.

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và UBND tỉnh Hải Dương đề nghị xem xét kiến nghị của Ford Việt Nam về việc điều chỉnh giảm sản lượng của chương trình ưu đãi thuế năm 2023. 

Điều kiện để tham gia chương trình này và được áp dụng mức thuế suất MFN (thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu  ưu đãi) 0% đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ôtô là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ôtô do Bộ Công Thương cấp.

Đồng thời đáp ứng các điều kiện về linh kiện, mẫu xe, sản lượng, khí thải, kỳ xét ưu đãi, hồ sơ và thủ tục.

Trong đó, doanh nghiệp phải đạt đủ điều kiện về sản lượng (bao gồm sản lượng chung tối thiểu cho các loại xe và sản lượng riêng tối thiểu cho từng mẫu xe) theo quy định cho từng nhóm xe. Việc quy định về điều kiện sản lượng là nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. 

Các doanh nghiệp sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi của chương trình này nếu không đáp ứng điều kiện về sản lượng trong kỳ xét ưu đãi thuế (6 tháng hoặc 12 tháng).

Bộ Tài chính nhấn mạnh điều kiện về sản lượng là điều kiện quan trọng và tiên quyết để doanh nghiệp đầu tư vốn, mở rộng sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. 

Ngoài ra, Bộ cho biết thời gian qua đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, vì vậy việc tiếp tục đề xuất giảm sản lượng của VAMA là chưa phù hợp với tình hình hiện nay.

Về kiến nghị bổ sung một số mặt hàng phụ tùng, linh kiện vào Danh mục áp dụng mức thuế suất MFN 0% của Toyota Việt Nam, Bộ Tài chính cũng không đồng ý.

Các mặt hàng thuộc danh mục này đều là các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được và hàm lượng khoa học công nghệ cao, chế tạo phức tạp để thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển, giảm giá thành sản xuất. 

Bộ Tài chính cho biết có một số mã HS do Toyota Việt Nam đề xuất có mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Một số mã HS khác đã đưa vào danh sách. Do doanh nghiệp chỉ đưa ra mã HS, không miêu tả cụ thể hàng hóa nên Bộ không có cơ sở để xem xét cụ thể đề xuất của công ty. 

Đối với mặt hàng nguyên liệu, vật tư, tiêu hao hoặc bộ phận linh kiện điện tử của xe ôtô (các loại ống, vít, bu lông, giá, khung, phụ kiện bằng sắt, thép hoặc kim loại cơ bản...), Bộ Tài chính đề xuất không đưa nội dung nhóm này vào danh sách được áp dụng mức thuế nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế.

Lý do đây là các mặt hàng cơ bản trong nước đã sản xuất được nên cần có chính sách bảo vệ sản xuất trong nước. Đồng thời, các mặt hàng này khó xác định được số lượng sử dụng trong quá trình sản xuất, lắp ráp xe ôtô để làm căn cứ cho việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi. 

Theo số liệu từ VAMA, 10 tháng đầu năm, tổng số ôtô bán ra trên thị trường đạt 235.296 chiếc, giảm 29% so với cùng kỳ 2022. Trong số này, hơn 59% là xe sản xuất, lắp ráp trong nước, còn lại là nhập khẩu. Doanh số bán hàng của các hãng đều sụt giảm so với cùng kỳ 2022, lần lượt 27% với hãng trong nước và nhập khẩu là 33%.

PV

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục