Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong toàn ngành GTVT về việc tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm TTATGT trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ VN hướng dẫn, đôn đốc Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe; có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép, đúng số người theo quy định, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải.
Kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện; niêm yết các thông tin theo quy định, đặc biệt phía trong khoang hành khách của phương tiện chở khách phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng.
Tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật an toàn giao thông, đã uống rượu bia thì không lái xe, hướng dẫn thực hiện quy tắc và kỹ năng tham gia giao thông an toàn trên đường cao tốc, đường đèo dốc...
Cục Đường bộ VN cũng có trách nhiệm thường xuyên phối hợp các Sở GTVT để quản lý hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải (về tốc độ, hành trình hoạt động, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe...) thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô.
Chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với Sở GTVT TP Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương có hiện tượng nhiều xe dù, bến cóc, xe quá tải hoạt động để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.
Đối với các địa phương đang thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng, xe ô tô 2 tầng thoáng nóc phục vụ chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiểm tra hoạt động của phương tiện đúng tuyến đường, khu vực, thời gian được phép hoạt động theo quy định; đảm bảo TTATGT trong hoạt động thí điểm.
Chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ kiểm tra, rà soát bổ sung hệ thống biển báo hiệu giao thông, đặc biệt là các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế; tăng cường lực lượng tổ chức, bảo đảm giao thông, phân luồng hợp lý, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt, bảo đảm an ninh, trật tự tại các trạm thu phí, nhất là trên các trục chính ra vào TP Hà Nội và TP.HCM, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các bến xe, bến tàu, nhà ga, các trạm thu phí BOT, các điểm đang thi công thường xảy ra ùn tắc; có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn.
Đối với các trạm thu phí đường bộ, nhà đầu tư BOT cần xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông tại các trạm thu phí khi lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến. Kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện hạn chế tình trạng ùn tắc trước khi vào trạm thu phí đường bộ.
Cục Đường cao tốc Việt Nam có trách nhiệm tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, xử lý sự cố, TNGT theo quy định của pháp luật để bảo đảm giao thông trên các tuyến cao tốc được giao quản lý trong dịp nghỉ lễ.
Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục các giải pháp đã triển khai, tăng cường phục vụ nhu cầu đăng kiểm phương tiện của tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Phối hợp tuyên truyền việc thực hiện các quy định trong kinh doanh vận tải.