Bộ Công Thương đề nghị giảm thuế đến 2.000 đồng/lít với xăng, dầu

Bộ Công Thương đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol) 2.000 đồng/lít, dầu 1.000 đồng/lít, gấp đôi so với mức đề xuất của Bộ Tài chính.

Chiều 9/3, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị tăng mức giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Bộ Công Thương đề nghị giảm 50% so với với mức thuế hiện tại đang áp dụng. Theo đó, mức giảm cơ quan này kiến nghị là 2.000 đồng/lít đối với xăng (trừ ethanol); 1.000 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu hỏa và mỡ nhờn.

Bộ Công Thương đề nghị giảm thuế đến 2.000 đồng/lít với xăng, dầu - Ảnh 1

Theo Công Thương, việc giảm mạnh thuế là để có dư địa điều hành, bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng mạnh, tác động bất lợi đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch.

Với mức giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới nêu trên, Bộ cho rằng sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước, đẩy giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11/3 có thể tăng 5.000-8.000 đồng/lít/kg tùy loại (tương đương tăng 27-44%) so với giá xăng dầu đầu năm làm ảnh hưởng lớn đến CPI chung của cả nước năm 2022.

Ngày 9/3, giá dầu WTI tăng lên 125,68 USD/thùng, dầu Brent 130,53 USD/thùng. Thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU với Nga, gây nên thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu đang tăng mạnh vì các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Trước đó, trong góp ý gửi Bộ Tài chính về mức dự kiến giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng mức giảm 500 đồng/lít dầu, 1.000 đồng/lít xăng là thấp, cần giảm mạnh hơn.

Một số chuyên gia cũng cho rằng mức giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít sẽ không tác động quá nhiều tới việc giảm CPI và khó đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 5 đợt tính từ mốc 25/12/2021 đến lần tăng giá gần nhất 1/3, làm cho giá xăng RON 95 tăng 3.537 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 3.521 đồng/lít lên mức 26.830 đồng/lít, mức cao nhất từ trước đến nay.

Để bảo đảm duy trì việc cung ứng, bình ổn thị trường mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng vừa có văn bản đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn bảo đảm nguồn cung và chấp hành nghiêm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương đề nghị tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định về niêm yết, bán đúng giá niêm yết và thời gian đăng ký bán của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn. Trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm các vi phạm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm theo quy định.

VCCI trước đó cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.

Trước đó, chiều 1/3, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.

Theo đó, sau khi thực hiện giảm mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá mỗi lít xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 1/3 giá 26.070 đồng (tăng 540 đồng); RON 95 là 26.830 đồng (tăng 550 đồng).

Thành Nam

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục