Biến động mạnh, vẫn chưa cần tung vàng ra đấu thầu

Tuy khẳng định luôn sẵn sàng và có đủ lượng vàng bán can thiệp mạnh, trên quy mô lớn khi cần thiết để đảm bảo ổn định thị trường vàng trong nước, nhưng NHNN vẫn chưa có động thái cụ thể nào. Mặc dù, chênh lệch giá vàng đã lên tới gần 4 triệu đồng/lượng.

Trong mấy ngày gần đây, giá vàng lại có dấu hiệu tăng và biến động khó lường. Đánh giá về tình hình thị trường và nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết:

Nhìn chung, trong những tháng đầu năm 2014, thị trường vàng trong nước khá ổn định, giá vàng trong nước có những dao động phù hợp với giá vàng quốc tế và phù hợp cung cầu vàng trên thị trường. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã được thu hẹp khá nhiều có lúc xuống khoảng 1 triệu. Tuy nhiên, trong mấy ngày qua, giá vàng trên thị trường trong nước có biến động tăng.

Tuy nhiên, qua theo dõi, phân tích các thông tin thị trường, NHNN không thấy có các nguyên nhân về biến động giá vàng trên thế giới, về cung cầu vàng trên thị trường…

Biến động mạnh, vẫn chưa cần tung vàng ra đấu thầu - Ảnh 1

Do đó, “NHNN khẳng định những biến động của giá vàng trên thị trường trong nước thời gian qua chủ yếu do yếu tố tâm lý và lợi dụng yếu tố tâm lý bị tác động bởi sự kiện bất ổn trên biển Đông, có thể đã có các yếu tố đầu cơ làm giá hoặc kích động tâm lý đẩy giá vàng lên cao”, ông Tú nhấn mạnh.

Nói về những biện pháp bình ổn thị trường mà NHNN sẽ triển khai, ông Tú cho rằng: Vấn đề quan trọng nhất là phải có thông điệp kịp thời và đầy đủ đến người dân. Do đó, NHNN áp dụng nhiều kênh thông tin để giải thích và khuyến cáo người dân nên thận trọng khi quyết định mua, bán để tránh các thiệt hại không đáng có vì những yếu tố tâm lý hoặc bị kích động bởi một số đối tượng kinh doanh cơ hội.

Theo khẳng định của đại diện NHNN, diễn biến thị trường trong những ngày gần đây cho thấy nhận định và phân tích thị trường của NHNN là đúng đắn, trên cơ sở đó, các biện pháp đưa ra là vừa đủ, kịp thời và đã phát huy hiệu quả. Thị trường đã tự điều chỉnh và dần trở lại trạng thái cân bằng hơn. Khối lượng giao dịch trên thị trường đang giảm dần và giá vàng trên thị trường trong nước trong mấy ngày gần đây đã điều chỉnh giảm từ 800 -900 nghìn đồng/lượng so với đầu tuần trong bối cảnh giá vàng trên thị trường quốc tế vẫn ổn định trong biên độ hẹp.

Đại diện Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng khẳng định, hiện giao dịch vàng trên thị trường diễn biến bình thường.

Thực tế, sau những khuyến cáo liên tục của Ngân hàng Nhà nước, đầu tuần này, giá vàng đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, so với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước vẫn cao hơn 3,7 triệu đồng/lượng. Mức cao phi lý này cho thấy, thị trường vẫn còn những dấu hiệu bất ổn.

Đấy là chưa kể, dù Ngân hàng Nhà nước nhận định, cung cầu vàng không biến động mạnh, song sau gần nửa năm Ngân hàng Nhà nước không đấu thầu vàng, có thể nhu cầu vàng cũng đã tăng. Những căng thẳng trên Biển Đông chưa thể sớm chấm dứt, tâm lý lo lắng của người dân vẫn còn. Chưa kể, với mức chênh lệch vẫn còn duy trì ở mức cao như trên, chứng tỏ “mầm họa” từ vàng vẫn có thể bùng lên bất cứ lúc nào.

Chính vì vậy, để “mầm họa” từ vàng không phát tác, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên tổ chức đấu thầu vàng như một phép thử. Và dù cho nguồn cung không khan hiếm, việc tổ chức đấu thầu vẫn cần thiết để chứng minh sức mạnh, tăng niềm tin thị trường.

“Ngân hàng Nhà nước nên đấu thầu vàng để tăng cung, ổn định tâm lý thị trường. Với chênh lệch giá vàng hiện nay, đấu thầu vàng sẽ có lợi cho Nhà nước”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận xét.

Hiện nay, ngoài các khuyến cáo và tuyên bố sẵn sàng bán vàng liên tục được đưa ra, thị trường vẫn chưa nhìn thấy lượng cung vàng mới. Đó là lý do, mặc dù nhiều lần Ngân hàng Nhà nước ra văn bản khuyến cáo, song giá vàng sau đó vẫn tăng, dù giá thế giới đi ngang, hoặc giảm.

Có nên đầu tư vàng thời điểm này?

Về nguyên tắc, giá vàng càng biến động, càng tạo ra nhiều cơ hội “làm bàn” cho giới đầu cơ. Thế nên những cơn khan hiếm giả tạo, những thông tin rỉ tai nhau về việc mua vàng, ngoại tệ “phòng thân” liên tục được tung ra để “kích” thị trường. Tâm lý bất an của nhiều người đã trở thành mảnh đất màu mỡ để giới đầu cơ vàng, ngoại tệ… trục lợi. Không khó để nhận ra, đằng sau hình ảnh người dân vì lo ngại tình hình căng thẳng ngoài biển Đông nên đổ xô đi mua vàng, USD với giá cao là rất nhiều nhà đầu tư đang “âm thầm” bán ra thu lợi. Nhưng nếu bình tĩnh hơn một chút, mỗi người đều có thể nhận ra chiếc “bẫy giá” đang được giăng ra trên thị trường với rủi ro cực lớn. Đầu tiên là rủi ro chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới đang được nới rộng.

Về cục diện chung, vàng, ngoại tệ đang ở “thế yếu” trong bảng xếp hạng các kênh đầu tư. Chủ trương chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế vẫn đang được quyết liệt thực hiện nên rất khó có sự tăng giá đột biến trong cả ngắn hạn và dài hạn. Đây chính là rủi ro lớn nhất khi “găm” vàng, ngoại tệ.

Biến động mạnh, vẫn chưa cần tung vàng ra đấu thầu - Ảnh 2

Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam (VGB), vàng và USD giống như bình thông nhau. Để lướt sóng vàng, cần phải có lượng USD đủ mạnh để đầu cơ. Tuy nhiên, thời gian qua, ngoại tệ ở Việt Nam bị kiểm soát chặt và tỷ giá rất ổn định, nên đầu cơ sẽ không có lãi.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, hiện chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới quá lớn, chỉ cần Ngân hàng Nhà nước bán vàng can thiệp là người mua vàng sẽ lỗ nặng. Ngoài ra, với thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên, đầu tư vàng lúc này không phải là quyết định khôn ngoan.

Với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên: “Không nên đầu tư vàng, USD thời điểm này, vì rất rủi ro. Bất động sản đang ấm dần, nhưng thực tế chưa thực sự khởi sắc. Trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay, nếu muốn an toàn, nhà đầu tư nên gửi tiền vào ngân hàng 1-2 tháng”.

Hiện trên thế giới, nhiều quỹ đầu tư lớn cũng đang rời bỏ vàng. Tuần trước, SPDR - quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới đã bán mạnh, khiến lượng vàng nắm giữ của Quỹ giảm còn khoảng hơn 776 tấn, thấp nhất trong vòng gần 6 năm trở lại đây.

Với tình hình căng thẳng ngoài biển Đông, Việt Nam ngày càng nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Lẽ nào chúng ta, mỗi người dân lại không tỉnh táo để rơi vào “bẫy” của giới đầu cơ, vừa tự làm thiệt hại mình, vừa ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ trong nước ngay tại thời điểm nền kinh tế cần nhất sự đồng thuận và ổn định?

N.N. (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục