BIDV: “U đầu” do… đi đầu

Một bản báo cáo dài 7 trang, liên quan đến sự kiện Bộ Tài chính “đòi” Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) trả cổ tức bằng tiền mặt vừa được công bố.

Bản báo cáo này do Trung tâm Nghiên cứu BIDV xây dựng, phân tích và lập luận, công bố ngày 13/6.

Đi đầu và nặng gánh

Báo cáo cho biết, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại nhà nước (gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank) những năm qua, theo quá trình thực hiện vai trò đối với nền kinh tế, bị suy giảm nghiêm trọng.

Nguyên do, khả năng sinh lời của các ngân hàng này bị co hẹp, tỷ lệ lãi biên NIM (đã trừ DPRR) từ mức 2,5% năm 2011 giảm còn 2,2% năm 2012 và tiếp tục giảm xuống mức 1,7-1,8% giai đoạn 2013-2015.

Theo BIDV, khả năng sinh lời giảm như trên là do các ngân hàng phải đi đầu trong triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ (lãi suất cho vay thấp).

Cũng theo báo cáo, hiện nhóm ngân hàng trên đang trong tình trạng nan giải khi thực hiện các giải pháp tăng vốn nhằm đảm bảo năng lực tài chính.

Họ không thể tăng vốn từ giảm chi trả cổ tức, vì toàn bộ cổ tức của ngân hàng thương mại nhà nước không được sử dụng để gia tăng năng lực tài chính, mà phải nộp về ngân sách nhà nước.

Giải pháp tăng vốn vừa qua, qua trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc xin chưa trả cổ tức, là thuận lợi nhất, nhưng lại gặp vướng mắc do Bộ Tài chính “đòi” trả tiền mặt.

“Nếu xẩy ra, có vẻ như vai trò cổ đông của nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước đang chưa thực sự chuyên nghiệp và điều này có thể ảnh hưởng đến cổ đông hiện hữu khác cũng như việc thu hút cổ đông mới trong tương lai”, báo cáo BIDV nêu quan điểm về vướng mắc trên.

Ở khía cạnh khác, BIDV nêu ngược lại đóng góp của nhóm này, khi cho rằng, dường như các ngân hàng thương mại nhà nước ngoài chức năng thực hiện chính sách tiền tệ, vốn đã rất nặng nề, đang phải gánh thêm áp lực từ chính sách tài khóa.

Ngoài ra, các ngân hàng này thời gian qua và hiện nay đang phải gánh gồng thêm việc tái cơ cấu và vực dậy các ngân hàng yếu kém mà Nhà nước chỉ định.

Ở hướng tăng vốn bằng kêu gọi nhà đầu tư, BIDV nhận định hiện nay không thuận lợi, vì tâm lý chung của hầu hết các nhà đầu tư đều đánh giá việc đầu tư vào các ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay “là khá rủi ro do năng lực tài chính hạn chế”…

Trăm nghìn tỷ xoay quanh

Với thực trạng khó khăn về CAR nói trên, báo cáo của BIDV đưa ra loạt hệ lụy nếu không tăng được vốn, nếu Nhà nước không chung sức và đồng thuận tăng vốn bằng nguồn cổ tức.

Cụ thể, nếu vốn tự có của khối này không được tăng trong năm 2016 (tương ứng với việc Nhà nước thu về toàn bộ cổ tức năm 2015), khả năng tăng trưởng tài sản có rủi ro còn lại chỉ là 101 nghìn tỷ, tương ứng với mức tăng trưởng 4,67% so với năm 2015 và tăng trưởng tín dụng ở mức 7-8% năm 2016.

Khi đó, dư nợ tín dụng mỗi năm bị thiếu hụt mất 280 nghìn tỷ đồng. Với mức ICOR Việt Nam giai đoạn 2016-2020 ước tính ở mức 4,7, số vốn tín dụng thiếu hụt sẽ làm giảm GDP trung bình một năm trong giai đoạn 2016-2020 ở mức 69,1 nghìn tỷ/năm, tương ứng với mức giảm tăng trưởng GDP 0,55%-0,6%/năm.

Theo đó dự kiến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 sẽ chỉ ở mức 6,05-6,4%/năm, BIDV tính toán trong tình huống Bộ Tài chính vẫn quyết “đòi” cổ tức bằng tiền mặt.

Trong tình huống khác, nếu vốn tự có của khối ngân hàng thương mại nhà nước tăng lên từ nguồn lợi nhuận giữ lại với ước tính ở mức 8,34%/năm, không có nguồn tăng vốn bổ sung từ bên ngoài, mức tăng trưởng tài sản có rủi ro sẽ là 13,4% và tăng trưởng tín dụng ở mức 15-16% so với năm 2015.

Khi đó dư nợ tín dụng mỗi năm bị thiếu hụt mất 108,2 nghìn đồng, sẽ làm giảm GDP trung bình một năm trong giai đoạn 2016-2020 ở mức 23 nghìn tỷ/năm, tương ứng với mức giảm tăng trưởng GDP là 0,18-0,2%/năm. Theo đó dự kiến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 sẽ chỉ ở mức 6,3-6,7%/năm.

Bên cạnh đó, việc tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với yêu cầu còn có ảnh hưởng trực tiếp làm thu lãi tín dụng và lợi nhuận của khối, từ đó làm giảm thuế nộp ngân sách và giảm thu nhập của người lao động.

Theo BIDV tính toán, việc tăng trưởng tín dụng giảm so với yêu cầu ở mức 5-10% trong vòng 5 năm (2016-2020) sẽ làm giảm khoản thu của ngân sách Nhà nước khoảng 1.800 - 5.000 tỷ đồng thuế.

Không đủ lực thì từ chối mua

Với loạt dẫn giải và lập luận trên, BIDV kiến nghị loạt giải pháp để tháo gỡ vướng mắc chuyện cổ tức, tăng vốn hiện nay, cũng như dự phòng cho các kế hoạch trong tương lai.

Đó là kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chấp thuận cho các ngân hàng thương mại nhà nước được cân đối và quyết định việc sử dụng nguồn cổ tức các năm để tăng vốn; cho phép sử dụng nguồn thặng dư do giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước từ bán đầu tư tài chính, bán chiến lược để tạm ứng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn; xem xét giảm bớt tỷ lệ sở hữu của Nhà nước từ mức 65-95% hiện nay.

BIDV cũng nêu quan điểm qua kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nhà nước tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai phương án phát hành cổ phần ra công chúng trong đó cổ đông Nhà nước nếu không đủ nguồn lực thì có thể từ chối quyền mua. Khi đó các ngân hàng sẽ chủ động tìm kiếm nhà đầu tư và cổ đông nhỏ lẻ để bán cổ phần, phát hành cổ phần ưu đãi cho người lao động để tăng vốn.

Xa hơn là kiến nghị Chính phủ giảm sở hữu tại các ngân hàng thương mại nhà nước về tối đa 51% đến năm 2018, “nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thu hút thêm vốn từ nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài, từ đó nâng cao năng lực tài chính”.

Sâu xa nữa, dường như BIDV “muốn được bình thường” khi mong muốn Chính phủ từng bước xây dựng Ngân hàng Nhà nước độc lập, để không bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu chính sách tài khóa. Trong ảnh hưởng đó có các ngân hàng thương mại Nhà nước, mà BIDV đề cập ở khía cạnh “đi đầu” và nặng gánh với các chương trình, kế hoạch lẽ ra là của chính sách tài khóa nói trên.

 Minh Đức/ Theo VnEconomy

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục