Ngày 19/11/2014, tại Thủ đô Naypyitaw, Myanmar đã diễn ra lễ ký thỏa thuận nguyên tắc sơ bộ về khoản vay 30 triệu USD giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với Ngân hàng Phát triển Công nghiệp nhỏ và vừa Myanmar (SMIDB).
Theo đó BIDV triển khai gói tín dụng 30 triệu USD tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm triển khai chính sách phát triển công nghiệp và giảm nghèo của Chính phủ Cộng hoà Liên bang Myanmar.
Đồng thời tạ buổi Lễ ký kết này bà Daw Soe Soe - Đại diện Tổng vụ Đầu tư và Quản lý Công ty (DICA), đã trao Giấy phép thành lập tạm thời do Bộ Phát triển Kinh tế và Kế hoạch Quốc gia Myanmar cấp cho Công ty TNHH Tài chính BIDV (BIDV Finance Company Limited).
BIDV thành lập công ty tài chính tại Myanmar.
Được biết công ty tài chính BIDV tại Myanmar được thành lập dựa trên vốn góp của đại diện phía Việt nam là 70% và của Công ty Tài chính Tiêu dùng Vi mô Mahar Bawaga, Myanmar là 30%. Ban đầu Công ty này sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính gồm tài chính vi mô, nhận tiền gửi và chuyển tiền và các hoạt động tài chính khác phù hợp với quy định pháp luật Myanmar.
Myanmar đang là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động kinh doanh, sau khi nước này mở cửa đầu tư. Ngày càng có nhiều các Ngân hàng thương mại Việt xuất ngoại để phục vụ doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp bản địa hoạt động trên thị trường này.
BIDV là đơn vị tiên phong mở chi nhánh ở thị trường Myanmar từ đầu năm 2010. Đến năm 2012, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng được Chính phủ Myanmar cấp giấy phép thành lập văn phòng và bắt đầu hoạt động từ năm 2013. Ngoài ra Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cũng cho biết đang tiến hành lập văn phòng đại diện tại nước này.
Vừa qua BIDV đã xin cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Myanmar. Tuy nhiên do không đáp ứng được những tiêu chí xét chọn kỹ lưỡng của Ngân hàng trung ương Myanmar nên “ông lớn” ngành ngân hàng Việt này đã gặp thất bại. Trước đó ngân hàng này cũng đã thuê 3.000m2 mặt bằng tại dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center tại Yangon để làm trụ sở và địa điểm giao dịch của ngân hàng, sẵn sàng đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, chuẩn bị công tác cán bộ nhân sự cho việc thành lập ngân hàng thương mại tại Myanmar.
Thất bại này của BIDV cũng khiến cho cộng đồng doanh nghiệp Việt hoạt động tại xứ “Chùa Vàng” này khá thất vọng. Mặc dù vẫn có thể sử dụng các dịch vụ của 9 ngân hàng khác đã được phía Myanmar lựa chọn nhưng rõ ràng việc không có ngân hàng Việt chống lưng, đồng hành cùng, sự thuận lợi trong hoạt động kinh doanh của họ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Hoàng Anh (TH)