VIB tố lừa đảo liên quan Bảo hiểm Prudential
Theo đơn thư, chị T là một khách hàng thường xuyên gửi tiết kiệm và giao dịch tại ngân hàng VIB – Chi nhánh Vinh, Nghệ An.
Năm 2020, chị T đến ngân hàng VIB – CN Vinh để gửi tiết kiệm cho bố là Trần Xuân Nam thì được nhân viên VIB tư vấn cho tham gia sản phẩm tiết kiệm + đầu tư linh họat – sản phẩm liên kết giữa VIB và PRU với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm truyền thống.
Cụ thể, nhân viên VIB đã tư vấn cho chị T một gói tiết kiệm + đầu tư với mức đóng 30 triệu đồng/năm, đóng liên tục trong vòng 6 năm thì có thể rút ra, khi đó sẽ nhận đủ cả gốc lẫn lãi suất 12%/năm, có khi còn cao hơn.
Vì tin tưởng vào tư vấn của nhân viên VIB, sự uy tín của ngân hàng và mong muốn có thêm khoản thu nhập chính đáng cho người thân nên chị T đã tham gia gói 30 triệu đồng này với Hợp đồng số 74661907 PRU – đầu tư linh hoạt của VIB kết hợp với PRU ngày 29/02/2020 tại VIB.
Chị T đã tham gia sản phẩm đầu tư linh hoạt như sau: Năm 2020 - số tiền 30.021.600 đồng; Năm 2021 - số tiền 30.021.600 đồng; Năm 2022 - số tiền 30.021.600 đồng; Năm 2023 - số tiền 30.021.600 đồng.
Chị T có trao đổi thẳng thắn với nhân viên VIB là không mua bảo hiểm, với cả người thân tuổi cũng đã cao nên chắc chắn rất khó để tham gia bảo hiểm mà chỉ muốn gửi tiết kiệm cho để lấy tiền lãi, nhưng nhân viên VIB bảo đây là sản phẩm liên kết nên mọi trách nhiệm về thiệt hại phía VIB sẽ lo và làm việc với chị T chứ không phải bên PRU.
Theo chị T, trong quá trình tham gia đầu tư đã được tư vấn viên VIB tư vấn không chính xác, tư vấn đây là gói đầu tư, bảo hiểm chỉ là phần tặng kèm theo (thẻ chăm sóc sức khỏe), gói chị T tham gia là 30 triệu đồng đầu tư linh hoạt trong đó không hề nhắc đến các loại phí phải đóng, trong quá trình tư vấn không nhắc đến bảo hiểm chỉ nhắc đến đầu tư linh hoạt và rút tiền được linh hoạt, lãi suất cao.
Trong quá trình tư vấn, nhân viên VIB cũng không hề nói với chị T là sẽ bị mất các loại phí, các khoản phí khấu trừ trong các năm đầu, hay rút trước hạn sẽ không được nhận đủ số tiền mình đã nộp cả.
Đặc biệt, chị T còn tố VIB đã làm giả chữ ký vì chữ viết trong đơn yêu cầu bảo hiểm không phải của chị T hay người thân của chị.
Tương tự như trường hợp của chị T, chị H cũng là khách hàng thường xuyên lâu năm gửi tiền tiết kiệm tại VIB, chi nhánh Kim Đồng (đc: 28A-28B Kim Đồng, Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội).
Mới đây, theo thông báo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính đối với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential, năm 2021, Bộ Tài chính phát hiện 39 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm.
Công ty này cũng áp dụng các yếu tố tính phí bảo hiểm không chính xác theo cơ sở kỹ thuật và biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn dẫn đến tính toán không chính xác về số tiền phí bảo hiểm của 112.209 hợp đồng.
|
Vào thời gian cuối tháng 10/2018, chị H có sổ tiết kiệm đến hạn, nên tiếp tục đến ngân hàng VIB chi nhánh kim đồng để làm thủ tục đáo hạn sổ tiết kiệm. Tại quầy giao dịch, nhân viên VIB tư vấn cho chị H rằng hiện tại ngân hàng có thêm một sản phẩm liên kết rất tốt, mỗi năm chỉ cần đóng một số tiền, sau 5 năm sẽ rút được cả gốc và lãi, lãi suất còn tốt hơn gửi ngân hàng, ngoài ra còn có thể bảo vệ mình trong trường hợp rủi ro.
Khi được nghe tư vấn như thế, chị H cũng đã hỏi đi hỏi lại nhân viên ngân hàng về vấn đề sau 5 năm thì sẽ rút được cả gốc và lãi, nhân viên ngân hàng khẳng định chắc chắn vấn đề đó.
Vì là khách hàng lâu năm của VIB, trước đây cũng chưa xảy ra vấn đề gì, nên chị H rất tin tưởng nhân viên ngân hàng những gì họ nói là sự thật, và đã đồng ý trích một số tiền trong số tiền gửi tiền kiệm là 150 triệu đồng nộp cho ngân hàng, đồng ý với họ là sẽ đóng 5 năm rồi rút gốc và lãi.
Sau đó một thời gian tầm khoảng 3 - 4 tuần thì chị H thấy nhân viên của VIB mang hợp đồng bảo hiểm với PRU số 74291466 gửi cho chị, và vẫn khẳng định với chị H về việc tiền đóng sau 5 năm sẽ rút được cả gốc và lãi. Và chị H đã đóng tiền cho hợp đồng này được 4 năm, tổng số tiền đóng là hơn 600 triệu đồng (tên đại lý trên hợp đồng này là Lê Thị Thu Hạnh, mã số 69103024).
Tiếp đến năm 2020, khi chị H đến VIB để đáo hạn sổ tiết kiệm, thì được nhân viên VIB tiếp tục tư vấn cho là có sản phẩm liên kết ngân hàng đóng tiền vào sau 8 năm sẽ rút được cả gốc và lãi, được bảo vệ cho bản thân. Sau khi cân nhắc thì chị H cũng đã đồng ý nộp vào 200 triệu đồng.
Sau khi nộp tiền một thời gian, thì nhân viên VIB cũng đã mang đến nhà gửi cho chị này 2 hợp đồng số 74937999 và 74938004 và vẫn khẳng định rằng sau 8 năm sẽ được lĩnh cả gốc và lãi. Chị H đã đóng tiền cho hai hợp đồng này trong 2 năm với số tiền hơn 200 triệu đồng/năm. Tổng số tiền đã đóng là hơn 400 triệu đồng.
Cho đến khoảng giữa năm 2022, sau khi đã đóng tiền cho hợp đồng 74291466 được 4 năm, chị H nghĩ đóng thêm 1 năm nữa sẽ được rút tiền, nên lúc này chị mới gọi điện cho tổng đài của PRU để hỏi về việc thủ tục rút tiền sau khi đóng đủ 5 năm.
Lúc đó tổng đài của PRU nói chị H rút tiền sẽ không rút được cả gốc và lãi như nhân viên ngân hàng đã tư vấn. Chị H đã đem việc này phản ánh với ngân hàng VIB, lãnh đạo chi nhánh ngân hàng VIB nói với tôi rằng cô Vân đã nghỉ việc.
Quá bức xúc với cách làm việc dối trá của ngân hàng VIB, chị H đã ngừng đóng tất cả các hợp đồng bảo hiểm và yêu cầu bảo hiểm tính toán số tiền hiện tại chị H rút về sẽ là bao nhiêu thì bảo hiểm đã tính toán hợp đồng 74291466 (đã đóng 600 triệu) rút về được khoảng 320 triệu đồng. Chị H đã chấm dứt hợp đồng này và yêu cầu hoàn tiền vì sợ rằng số tiền 320 triệu đồng cũng lớn, không rút về sớm, VIB và PRU sẽ dùng thủ đoạn khác để làm hao hụt số tiền đó.
Còn 2 hợp đồng số 74937999 và 74938004 (đã đóng hơn 400 triệu) PRU tính toán nếu chị H rút về thì sẽ được khoảng hơn 30 triệu đồng.
Qua sự việc trên, chị H nhận thấy có dấu hiệu cấu kết giữa ngân hàng VIB và PRU, hai tổ chức tài chính này đã hợp tác cùng nhau để lừa dối khách hàng, gây ra những thiệt hại rất lớn cho khách hàng kể cả vật chất lẫn tinh thần.
VIB nói gì?
Trước sự việc bị tố lừa đảo liên quan Bảo hiểm Prudential trên, VIB cho biết: Khác với nhiều sản phẩm tài chính, với đặc thù của sản phẩm bảo hiểm, nhân viên tư vấn phải trải qua một quá trình dài từ giới thiệu, sơ vấn, tư vấn, thuyết phục, hướng dẫn khách hàng điền thông tin, kê khai, ký kết hợp đồng, bàn giao hợp đồng... và việc trao đổi thông tin này thường là trực tiếp, không được ghi âm lại.
Nhà băng này cho biết, sẽ phối hợp cùng khách hàng, đối tác bảo hiểm và các cơ quan chức năng (khi có yêu cầu) để tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc theo quy định.
Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Ngày 30/6/2023, Bộ Tài chính cho biết, qua thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm là Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife phát hiện việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Cùng ngày, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (C03) Bộ Công an, đã thông tin một số vấn đề xoay quanh việc Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife) và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) bị tố "hô biến" tiền gửi tiết kiệm của khách hàng thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Phó cục trưởng C03 khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, xác minh vụ việc trong thời gian tới, đồng thời khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không nên thấy lãi suất cao mà ký hợp đồng, trong khi chưa hiểu rõ những ràng buộc đằng sau.
|