BĐS Nghỉ dưỡng "kén" chủ đầu tư
Theo ông Quang, những địa danh biển, núi đều có tiềm năng về BĐS nghỉ dưỡng và NĐT hoàn toàn có thể lựa chọn theo nhu cầu của mình để đầu tư. Nhưng nếu nói đầu tư BĐS nghỉ dưỡng để kiếm lời thì phải xem kỹ từng địa điểm. Đó là phân khúc được kỳ vọng hồi phục nhờ nhiều tác động, đặc biệt là chính cho người nước ngoài mua, nhưng chắc chắn nó còn có độ trễ.
Thực tế, phân khúc nghỉ dưỡng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung trong suốt một thời gian dài đã trải qua nhiều biến cố thắng trầm. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp đã từ bỏ kế hoạch đầu tư vào phân khúc nghỉ dưỡng. Nhiều dự án xây dựng dở dang hoặc bỏ hoang vì chủ đầu tư không có đủ tiềm lực tài chính xây tiếp hoặc dù có xây dựng thì cũng không có người mua.
Chính vì vậy, theo một số chuyên gia bất động sản, đối với phân khúc đặc thù như bất động sản nghỉ dưỡng, để tránh rủi ro, nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ các yếu tố như: quy mô dự án ở mức độ nào, có đảm bảo được sự phát triển bền vững? Năng lực của chủ đầu tư ra sao, bởi nhiều dự án công bố có giá trị đầu tư lớn nhưng thực tế không phải như vậy.
Sự hấp dẫn của những bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tiềm năng là điểm đến dành cho những đối tượng khách hàng có nhu cầu nghỉ dưỡng và các nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược. Đây là sự thành công của chủ đầu tư, khi đưa ra được những sản phẩm tốt và chính sách linh hoạt, “trúng” tâm lý khách hàng.
Lý giải việc vì sao trong khi nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng còn ế ẩm nhưng vẫn có những dự án mới được đầu tư, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia bất động sản cho rằng, việc đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam hiện có rất nhiều tiềm năng. Một đất nước có lợi thế du lịch lớn như Việt Nam thì bất động sản nghỉ dưỡng hoàn toàn có tiềm năng để đầu tư đối với cả nhà đầu tư ngoại hay nội.
Theo ông Võ: “Đầu tư vào một khu vực có tiềm năng lớn như du lịch, lượng khách đến đông sẽ khiến dự án có khả năng thu hồi vốn nhanh hơn so với các loại hình không phải về du lịch. Cơ hội thu hồi vốn trong đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam là khả thi.”
Theo ông Robert Mclntosh, Giám đốc điều hành CBRE Hotels Châu Á - Thái Bình Dương, từ những tháng cuối năm 2013 đến nay, Việt Nam chứng kiến nhiều dự án đầu tư lớn vào lĩnh vực khách sạn - nghỉ dưỡng. Những dự án này trải dài khắp từ Bắc tới Nam, với số vốn đầu tư đăng ký từ hàng chục triệu cho tới hàng trăm triệu đô la Mỹ.
Bên cạnh đó, việc nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà từ 1-7 tới sẽ giúp cho thị trường này tiêu thụ tốt. Đây là một tín hiệu tốt để bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội phát triển trở lại, vì Việt kiều và cả người nước ngoài đặc biệt quan tâm đến phân khúc này. Đây là lý do để những dự án nào đang ngủ đông sẽ được các chủ đầu tư khởi động trở lại.
Thừa nhận tiềm năng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong tương lai, tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Hưng Thịnh, đơn vị đang phát triển dự án khu Đô thị Nghỉ dưỡng Golden Bay ở Cam Ranh, đánh giá dòng sản phẩm này chưa thể bùng nổ nhanh được. Bởi lẽ, thị trường này còn phụ thuộc vào nền kinh tế Việt Nam và kinh tế toàn cầu. Chỉ khi nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu ổn định, đời sống người dân phát triển thì mọi người mới có thể nghĩ đến việc sở hữu ngôi nhà thứ hai.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ,