Chính phủ Trung Quốc ngày 27/1 kêu gọi Indonesia đối xử bình đẳng với những thủy thủ nước này bị bắt giữ mới đây.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 27 nói rằng nước này đang tìm hiểu thông tin chi tiết về 25 công dân Trung Quốc trong số 61 thuyền viên trên hai siêu tàu chở dầu bị nhà chức trách Indonesia bắt giữ hôm Chủ nhật, 24/1, với cáo buộc chuyển lậu dầu mỏ.
Indonesia cho hay đã bắt giữ các tàu chở dầu liên quan sau khi phát hiện tàu MT Horse treo cờ Iran tuồn dầu sang tàu MT Freya treo cờ Panama. Vụ việc cũng gây ra một sự cố tràn dầu. Nhà chức trách địa phương khẳng định vụ bắt giữ không có liên quan đến các lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Iran - được áp đặt dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm "bóp nghẹt" lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Iran, trong bối cảnh hai nước bất đồng sâu sắc về chương trình hạt nhân của Tehran.
Tàu MT Horse thuộc sở hữu của Công ty Tàu chở dầu Quốc gia Iran, công ty con của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC) - từng được đánh giá vào năm 2012 là công ty dầu mỏ lớn thứ hai thế giới chỉ sau công ty quốc doanh Aramco của Saudi Arabia.
Trong khi đó, Reuters cho biết tàu dầu "Panama" MT Freya thuộc quyền quản lý của Công ty Quản lý tàu thuyền Tương lai Thượng Hải (Shanghai Future Ship Management Co). Điều tra của Reuters cho thấy công ty này có địa chỉ đăng ký thuộc một doanh nghiệp khác là Công ty Quản lý tàu thuyền Chengda Thượng Hải, Trung Quốc.
Hai chiếc tàu bị Indonesia phát hiện ở ngoài khơi đảo Kalimantan.
Hình ảnh do Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia công bố, cho thấy tàu treo cờ Iran MT Horse (trái) và tàu MT Freya treo cờ Panama bị bắt gặp thả neo cạnh nhau ở ngoài khơi Indonesia ngày 24/1/2021
Ông Triệu Lập Kiên nói Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta "đã bày tỏ quan ngại đến phía Indonesia".
"Chúng tôi thúc giục họ xác minh tình hình về các thủy thủ Trung Quốc sớm nhất có thể và thông báo chính thức đến chúng tôi," ông nói, bổ sung rằng Bắc Kinh kêu gọi Indonesia tổ chức điều tra vụ việc "công bằng và tuân thủ luật pháp".
Ông Triệu không hé lộ thông tin về chủ tàu hay điểm đến của chiếc tàu có liên quan đến Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah xác nhận đã có "trao đổi bước đầu" với Trung Quốc và Iran, và các thảo luận tiếp theo sẽ tùy thuộc vào kết quả điều tra.
Bộ Ngoại giao Iran ngày 25/1 yêu cầu Indonesia cung cấp thông tin chi tiết và giải thích về vụ bắt giữ tàu chở dầu của nước này.
Giới chức Indonesia cáo buộc các tàu bị bắt giữ đã tìm cách che đậy nhận dạng bằng cách giấu quốc kỳ, tắt hệ thống tự động nhận dạng và không phản hồi liên lạc qua radio.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) yêu cầu các tàu thuyền sử dụng thiết bị phát tín hiệu để bảo đảm an ninh và minh bạch. Các thủy thủ có thể tắt thiết bị nhận dạng trong trường hợp có rủi ro như gặp cướp biển.
Ở diễn biến khác, Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta lên tiếng "hoan nghênh Cảnh sát biển Indonesia trong nỗ lực đối phó với hoạt động hàng hải bất hợp pháp", nhấn mạnh Washington ủng hộ các nỗ lực bảo đảm tuân thủ những tiêu chuẩn của IMO về an toàn và môi trường.
Chính phủ Indonesia thông báo vào ngày 27/1, cả hai tàu chở dầu đang thả neo tại đảo Batam, phía nam Singapore.
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết