Bất động sản nghỉ dưỡng cần nỗ lực lớn để phục hồi hoàn toàn

Đại dịch đã giáng đòn nặng nề vào đà tăng trưởng của ngành bất động sản nghỉ dưỡng và các bên liên quan sẽ cần rất nhiều nỗ lực để ngành có thể khôi phục hoàn toàn.

Đến cuối năm 2023, thị trường nghỉ dưỡng tuy tiến triển tích cực nhưng vẫn còn trong quá trình khôi phục. Nếu như năm 2022, thị trường du lịch Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn khách du lịch nội địa, thì năm nay, khi các hạn chế du lịch trong khu vực được gỡ bỏ hoàn toàn và các đường bay quốc tế dần khôi phục trở lại, lượt khách quốc tế ghi nhận sự tăng trưởng tích cực hơn.

Thị trường du khách Hàn Quốc gần như đã trở lại hoàn toàn. Bên cạnh đó, một số thị trường khách quốc tế như Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan cũng cải thiện tốt. Thậm chí, thị trường khách Trung Quốc cũng đang dần quay trở lại với tốc độ tăng trưởng tích cực.

Hồi giai đoạn trước dịch, sự tăng trưởng ấn tượng của lượt khách du lịch quốc tế và khách nội địa là một trong những động lực thúc đẩy hoạt động phát triển bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam. Nhiều chủ đầu tư đã bị thu hút tham gia vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu lưu trú ngày càng đa dạng của các nhóm đối tượng khách hàng.

Bất động sản nghỉ dưỡng cần nỗ lực lớn để phục hồi hoàn toàn - Ảnh 1

Số liệu thống kê của Savills Hotels cho thấy, kể từ năm năm 2016, khoảng 15.000 phòng thuộc phân khúc trung – cao cấp gia nhập thị trường lưu trú mỗi năm. Vì thế, nguồn cung phòng đã gia tăng gấp đôi chỉ trong vòng sáu năm.

Đại dịch đã giáng đòn nặng nề vào đà tăng trưởng của ngành bất động sản nghỉ dưỡng và các bên liên quan sẽ cần rất nhiều nỗ lực để ngành có thể khôi phục hoàn toàn. Thậm chí ngay trước khi đại dịch xảy ra, với số lượng lớn nguồn cung phòng lớn đang hoạch định và phát triển, ngành du lịch Việt Nam cần nguồn cầu tăng trưởng 20%-30% mỗi năm để theo kịp tốc độ phát triển nguồn cung.

Giới phân tích đánh giá ngành nghỉ dưỡng Việt Nam giàu tiềm năng, song không phải tất cả mô hình đều có thể hoạt động hiệu quả. Một số chủ đầu tư vội vàng gia nhập thị trường, mà chưa có sự đánh giá thấu đáo điều kiện thị trường địa phương, thậm chí cho rằng các mô hình kinh doanh khách sạn đều như nhau. Tư duy ấy khiến việc hoạch định, triển khai dự án không được thực hiện chỉn chu, hạn chế khả năng vận hành của dự án sau khi đi vào hoàn thiện.

Trong 10 năm qua (2013 - 2023), nguồn cung bất đọng sản nghỉ dưỡng tại các điểm đến ven biển tăng trung bình 16%/ năm. Một số điểm đến như Mũi Né, Nha Trang và Hạ Long tập trung phát triển vào cùng một phân khúc. Cụ thể, hơn 80% nguồn cung tại các địa phương này thuộc phân khúc tầm trung (Midscale - Upper Midscale). Đây là phân khúc có sự cạnh tranh cao về mặt bằng giá, không chỉ từ nguồn cung khách sạn mà còn gặp sự cạnh tranh từ những dự án căn hộ nghỉ dưỡng do chủ sở hữu tự kinh doanh, cho thuê với chính sách giá bán linh động để thu hút nguồn cầu.

Một số dự án chú trọng về số lượng hơn chất lượng, thậm chí lên đến gần 1.000 phòng. Quy mô lớn khiến các dự án này gặp nhiều thách thức trong việc đem đến những trải nghiệm nghỉ dưỡng đúng nghĩa cũng như đáp ứng chất lượng dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngành nghỉ dưỡng cũng đang đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn.

Du lịch nghỉ dưỡng là một ngành dễ tổn thương bởi các biến động kinh tế, chính trị cũng như sự thay đổi trong hành vi và sở thích của khách hàng. Do vậy, xây dựng và phát triển ngành bất động sản nghỉ dưỡng chất lượng cần nhiều nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như liên tục nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.

Trong thời gian tới, việc mở rộng nguồn cầu, trong đó việc thu hút các thị trường quốc tế mới là điều kiện cần thiết để hỗ trợ sự khôi phục và phát triển của ngành bất động sản nghỉ dưỡng. Chính sách thị thực gần đây đem đến nhiều chuyển động tích cực cho thị trường, cho phép khách quốc tế có thể lưu trú tại Việt Nam lâu hơn cũng như cho phép nhập cảnh nhiều lần.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần cải thiện, rút ngắn thời gian nhập cảnh cũng như trải nghiệm của du khách tại các cảng hàng không. Đồng thời, chúng ta vẫn cần cải thiện hạ tầng phục vụ cho du lịch quốc tế, bao gồm gia tăng tần suất các chuyến bay và mở nhiều đường bay trực tiếp hơn để du khách dễ dàng tiếp cận các địa điểm du lịch.

Với bề dày lịch sử, văn hóa, nhịp sống sôi động và nền ẩm thực đặc sắc, ngành nghỉ dưỡng Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam cần chú trọng hơn nữa công tác truyền thông sản phẩm du lịch đến thị trường quốc tế, cũng như thực hiện quảng bá hình ảnh phù hợp với đặc thù từng địa phương.

Việc thiết lập các văn phòng đại diện để quảng bá hoạt động du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang cạnh tranh gay gắt để thu hút khách quốc tế quay trở lại.

Để tăng khả năng cạnh tranh và khẳng định vị thế trên bản đồ quốc tế, chúng ta cần đa dạng hóa sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như khu phức hợp nghỉ dưỡng - giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như chú trọng yếu tố phát triển bền vững, bảo tồn giá trị cộng đồng để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường trong nước và quốc tế. Quá trình này cần sự phối hợp từ chính quyền địa phương, các tổ chức và doanh nghiệp trong ngành để ngành nghỉ dưỡng phát triển bền vững, hiệu quả.

Tùng Lâm

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục