Bảo hiểm liên kết Ngân hàng (Bancassurance) là loại hình phân phối bảo hiểm kết hợp giữa Công ty Bảo hiểm và Ngân hàng, ra đời nhằm mang đến cho khách hàng đang tham gia các dịch vụ tài chính tại ngân hàng sự bảo vệ tài chính trước những rủi ro ngoài ý muốn.
Cùng với sự hậu thuẫn của Ngân hàng, Công ty Bảo hiểm có thể thiết kế sản phẩm và phân phối cho nhiều phân khúc khách hàng của Ngân hàng, với một loạt sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu cần thiết của khách hàng và phù hợp với những sản phẩm của Ngân hàng.
Một số Công ty Bảo hiểm đang phối hợp cùng các ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam và quốc tế cung cấp cho khách hàng hai dòng sản phẩm mang tính bảo vệ với đối tượng là các khách hàng có nhu cầu gửi tiết kiệm và vay tín dụng tại ngân hàng (cả tín chấp và thế chấp).
Bảo hiểm liên kết ngân hàng ở Việt Nam từ trước đến nay đã có những cái tên lâu đời và quen thuộc: Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam” (BIC); Công ty Bảo Ngân” của VietinBank, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank (VCB Cardif),…
5 tháng đầu năm nay, doanh thu từ kênh phân phối bancassurances của Prudential Việt Nam tăng trưởng khoảng 120% so với cùng kỳ năm 2013, nối tiếp đà tăng mạnh của cùng kỳ năm ngoái, 92%.
Hoạt động bancassurances tại Bảo Việt Nhân thọ cũng khởi sắc hơn hẳn trong 6 tháng đầu năm , dù tốc độ tăng trưởng chưa thực sự như kỳ vọng (mỗi năm, Bảo Việt Nhân thọ đặt mục tiêu tăng trưởng 50%).
Dù vậy, có một thực tế là danh sách DN bảo hiểm tham gia vào kênh bancassurances đang dần bị thu hẹp dẫu ngân hàng đã cởi mở hơn.
Ngoài các DN bảo hiểm hoạt động theo mô hình liên doanh liên kết, có cổ đông lớn là ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank) như VCLI, Vietin Aviva thì mức độ thành công lớn với bancassurances chủ yếu thuộc về Top 3 DN dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ là Prudential, Bảo Việt và Manulife Việt Nam.
Trong khi trước đó, số DN bảo hiểm công bố hợp tác với ngân hàng khá đầy đủ các “anh tài” như Prevoir, ACE Life, AIA Việt Nam, Great Eastern, Hanwha Life…
Theo ước đoán của các chuyên gia, doanh số của kênh phân phối này có thể vào khoảng 3% tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Tuy vậy, sự tốn kém trong đầu tư cho kênh phân phối này đang là lý do khiến các DN bảo hiểm nhỏ hay lớn từng nuôi kế hoạch phát triển mạnh kênh này phải chùn bước.
Các chuyên gia trong ngành đánh giá hoạt động bancassurances đang dần đi vào thực chất và trong những năm tới có thể phát triển tương đương kênh phân phối đại lý ở một số DN. Điều đó thể hiện ở những con số tăng trưởng doanh thu ấn tượng.
P.N.(Tổng hợp)