Với mong muốn bảo hiểm những sản phẩm cho vay và kỳ vọng bước vào thị trường bảo hiểm nhân thọ, thời gian qua, nhiều ngân hàng thành lập công ty bảo hiểm theo cơ cấu 100% vốn đầu tư của ngân hàng.
Ví dụ như công ty bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) trong những năm đầu mới hoạt động, riêng lĩnh vực khai thác bảo hiểm liên kết với ngân hàng (bancassurance) có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 50%/năm. Đây cũng là công ty bảo hiểm của ngân hàng có nhiều sản phẩm nhất, đa dạng hình thức bán chéo sản phẩm bảo hiểm, bán sản phẩm trực tuyến… trên cơ sở mạng lưới và tích hợp hạ tầng công nghệ sẵn có của ngân hàng mẹ. BIC đang theo đuổi trở thành DN bán lẻ với mục tiêu mở rộng liên kết với các TCTD khác trên thị trường bảo hiểm liên kết ngân hàng. Từ chỉ bán chéo sản phẩm và gói dịch vụ bảo hiểm của ngân hàng mẹ, năm 2011 BIC đạt doanh thu khoảng 25 tỷ đồng, trong khi tổng doanh thu sản phẩm liên kết giữa các ngân hàng của BIC là 320 tỷ đồng. Đến nay, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2014 của BIC, doanh thu phí bảo hiểm gốc lên 256 tỷ đồng, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 tháng đầu năm nay, kinh doanh bảo hiểm đã mang lại khoản lãi gộp cho BIC là 39 tỷ đồng.
Trong số các nhà băng triển khai sớm bancassurance, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và HSBC là những tổ chức tiên phong (triển khai từ năm 1993). Trong khi HSBC kết hợp với Bảo Việt để triển khai thì BIDV kết hợp với AIA và đã sớm thành lập công ty con là BIC vào năm 2006.
Vài năm gần đây, cuộc đua bancassurance trở nên nóng hơn khi nhiều ngân hàng cần đến sự bù đắp từ loại hình này trong bối cảnh tín dụng khó khăn, đặc biệt là chính sách giới hạn tăng trưởng thấp trong năm 2011 và 2012.
Tại Ngân hàng Kỹ thương Techcombank, dịch vụ bancassurance được đẩy mạnh trong những năm gần đây, dù nguồn thu chưa lớn nhưng là một hướng đi quan trọng trong việc phát triển gói dịch vụ tài chính, gia tăng giá trị cho các sản phẩm ngân hàng. “Triển khai bancassurace tốt cũng thể hiện trình độ công nghệ và khả năng phục vụ khách hàng của một tổ chức tài chính”, một lãnh đạo của Techcombank nói.
Tại BIDV, hướng đi này triển khai muộn hơn (bắt đầu từ 2008) nhưng được đầu tư mạnh để nhanh chóng tạo sức cạnh tranh. Đến nay, nhà băng này đã kết hợp với BIC cung cấp tới 13 sản phẩm đặc thù (nhiều nhất trên thị trường) và đã triển khai thành công hệ thống bán hàng online (tích hợp). Đại diện BIDV cũng cho biết, việc phát triển sự liên kết dịch vụ đó nằm trong chiến lược đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào tín dụng.
Ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc BIDV, nói rằng: “Bancassurance là một dịch vụ có tiềm năng lớn đối với cả ngân hàng và công ty bảo hiểm nếu được đầu tư mạnh và đúng hướng. Đây cũng là một hướng đi giúp ngân hàng tăng được nguồn thu từ dịch vụ, vốn ít rủi ro và bền vững. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hoạt động tín dụng ngày càng trở nên khó khăn và rủi ro”.
Trên đây chỉ là một ví dụ cụ thể về mô hình công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Toàn bộ các công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng khác hiện vẫn chưa niêm yết nên rất khó xác định lời lỗ ra sao. Giới chuyên gia ngân hàng cho biết, phần lớn hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngân hàng thời gian qua không hiệu quả.
Trong khi hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các công ty trực thuộc ngân hàng hiệu quả chưa cao thì các DN bảo hiểm có liên kết với NH lại có những kết quả đáng khích lệ. Theo số liệu của năm 2013, doanh thu bảo hiểm liên kết với ngân hàng của Prudential Vietnam, Manulife Vietnam tăng trưởng ở mức 200-360% so với năm trước. Thế nhưng, thực tế các công ty bảo hiểm liên kết ngân hàng bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, các ngân hàng mới chỉ dừng lại ở mức độ thu hộ tiền bảo hiểm.
Không thể phủ nhận thực tế là những công ty bảo hiểm ngoài việc bán chéo sản phẩm với ngân hàng để tạo ra giá trị gia tăng, thì các công ty này còn góp phần củng cố uy tín, sức mạnh cho thương hiệu ngân hàng mẹ là những giá trị không thể đo đếm được ngay. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều ngân hàng đang tập trung đầu tư phát triển ngân hàng bán lẻ thì phát triển bảo hiểm cũng là một sản phẩm trong gói giải pháp cho khách hàng.
Như vậy, bảo hiểm rõ ràng là một lợi thế kinh doanh rất lớn đối với những ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động tăng thu từ dịch vụ, thay vì dựa vào nguồn thu mở rộng tín dụng như những năm trước đây.
Thế Anh (Tổng hợp)