Áp lực tỷ giá từ thanh khoản ngoại tệ

(Kinhdoanhnet) - Nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố tâm lý từ tình hình căng thẳng trên biển Đông gây nên tình trạng bất ổn trên thị trường. Tuy nhiên, thanh khoản ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại mới thực sự là nguyên chính nhân gây áp lực gia tăng tỷ giá.

Tình hình tỷ giá những tháng đầu năm

Sau 4 tháng đầu năm nay, thị trường ngoại hối được duy trì ổn định, trong tháng 5, tỷ giá ngoại tệ đã có biến động, chủ yếu trên thị trường tự do. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng khoảng 1% từ 21.100 đồng/USD lên 21.300 đồng/USD.

Trong tháng 5/2014, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng không đáng kể, từ mức 21.100 đồng/USD lên 21.145 đồng/USD. Tuy nhiên, bước sang tháng 6, các ngân hàng đã điều chỉnh tỷ giá bán USD lên mức kịch trần 21.246 đồng/USD.

Nhiều ý kiến cho rằng, kể từ đầu tháng 5 đến nay, tình hình biển Đông trở nên căng thẳng, tạo nên tâm lý bất ổn trên thị trường. Tuy nhiên, thanh khoản ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại mới thực sự là nguyên chính nhân gây áp lực gia tăng tỷ giá.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến tháng 4/2014, tiền gửi bằng tiền đồng tăng 3,5% so với đầu năm, trong khi cho vay lại giảm 2,6%. Nhờ đó, thanh khoản tiền đồng của hệ thống ngân hàng tiếp tục được duy trì tốt, với tỷ lệ cho vay/tiền gửi giảm từ 82,4% cuối năm 2013 xuống còn 79,9% vào cuối tháng 4/2014.

Cho dù lãi suất huy động giảm, nhưng lạm phát cũng giảm tương ứng, giúp duy trì mức lãi suất huy động thực dương. Đây là nguyên nhân giúp duy trì tăng trưởng tiền gửi nội tệ.

Lý giải cho việc dư nợ bằng ngoại tệ gia tăng trở lại

Trong khi vốn huy động bằng ngoại tệ giảm thì tín dụng cho vay ra bằng USD 4 tháng đầu năm nay lại có dấu hiệu tăng. Số liệu từ NHNN TPHCM cho thấy, dư nợ tín dụng USD tăng trưởng nhanh hơn dư nợ bằng VNĐ. Tính đến cuối tháng 4/2014, dư nợ ngoại tệ của các NH trên địa bàn thành phố tăng 8,52% so với cuối năm 2013, trong khi dư nợ bằng VNĐ giảm 0,09%.

Xu hướng này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực xuất, nhập khẩu đã tăng trưởng trở lại. Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài mà cụ thể là doanh nghiệp trong KCN-KCX trên địa bàn TPHCM có dư nợ cho vay 3 tháng đầu năm 2014 tăng 7,5%.

Áp lực tỷ giá từ thanh khoản ngoại tệ - Ảnh 1

Đơn cử là dư nợ tín dụng xuất khẩu của ACB đạt 7.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm, hay tại Vietcombank tỷ lệ tín dụng xuất khẩu cũng bắt đầu tăng trưởng tốt hơn... Sở dĩ, tín dụng bằng ngoại tệ tăng cao hơn so với tiền đồng là do lãi suất cho vay ngoại tệ hiện rất thấp, lãi suất áp dụng đối với khoản vay ngoại tệ hiện chỉ khoảng 2-3%/năm.

Trong khi đó, với lãi suất cho vay tiền đồng dù đã được điều chỉnh giảm nhiều, nhưng vẫn 8-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-12%/năm đối với trung, dài hạn. Mặt khác, hiện sản xuất, kinh doanh trong nước đang trì trệ do sức mua kém, so với doanh nghiệp xuất khẩu, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu.

Tuy nhiên, để có thể tiếp cận được nguồn vốn ngoại tệ không phải dễ dàng đối với doanh nghiệp, cho dù chi phí lãi suất vay khá thấp. Trong giai đoạn 2008-2011, NHNN đã liên tục đưa ra những thay đổi về đối tượng được vay và quy định đối với tổ chức tín dụng cho vay bằng ngoại tệ.

Điển hình là các Quyết định 09/2008/QĐ-NHNN, Thông tư 25/2009/TT-NHNN, Quyết định 750/QĐ-NHNN, Quyết định 74/QĐ-NHNN... Những động thái này cho thấy chủ trương NHNN tăng cường kiểm soát và hạn chế tín dụng ngoại tệ, chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ có thể vay vốn USD.

Mới đây, ngày 26-12-2013, NHNN ban hành Thông tư 32/2013/TT-NHNN, hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ phải chuyển khoản để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã đưa ra thông điệp tiếp tục điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp với cung cầu ngoại tệ cũng như diễn biến kinh tế vĩ mô để ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, việc các ngân hàng tăng mua USD còn có nguyên nhân từ kỳ vọng của thị trường vào việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Trong năm 2014, NHNN có chủ trương giữ ổn định tỷ giá và nếu phải điều chỉnh sẽ không quá 2%. Việc các ngân hàng tăng mua USD, duy trì trạng thái ngoại tệ dương sẽ giúp các ngân hàng phát sinh lãi ngoại hối khi tỷ giá tăng. Việc NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời, giúp các ngân hàng giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay trên thị trường.

Thế Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục