Ai giải được câu hỏi Coteccons trượt giá?!

Như bài trước đề cập đến việc cổ đông CTD nghi ngại việc doanh nghiệp này bị lạm dụng thương hiệu bởi các công ty do lãnh đạo lập ra. Giả định được đưa ra là có chuyện lãnh đạo CTD sẽ nhường bớt việc sang 2 công ty con để vì lợi ích nhóm của họ ở 2 công ty còn không

Giải thích với cổ đông về mối quan hệ lạ với công ty do nhân sự CTD lập ra, Coteccons cho hay, cổ đông cần coi lại lịch sử và mô hình hoạt động của CTD sẽ thấy CTD là tổng thầu xây dựng nên việc có nhiều nhà cung cấp hay nhà thầu phụ là bình thường. Theo ông Lam thì Ricons là công ty thành viên 15% và Dcons là đối tác nên việc hỗ trợ làm thầu là bình thường.

Tuy nhiên, câu trả lời phía đại diện Coteccons chưa thỏa đáng nhà đầu tư khi các ý kiến cho rằng, mâu thuẫn nội bộ và lợi ích nhóm trong ban lãnh đạo của công ty đang âm thầm ăn mòn doanh nghiệp. Tình trạng này chừng nào chưa được làm rõ sẽ gây hoang mang cho nhà đầu tư, nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến giá cổ phiếu CTD.

Dưới góc độ pháp luật, việc những công ty riêng của lãnh đạo lập ra lạm dụng thương hiệu của công ty lớn gây ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích công ty và người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ.

Đầu tiên, điều này làm giảm uy tín và danh dự của công ty nếu trong quá trình cung cấp dịch vụ mà doanh nghiệp lạm dụng thương hiệu vi phạm lỗi, đáp ứng kém chất lượng không mang lại hiệu quả cao, dẫn đến tình trạng mất thu hút đầu tư.

Ngoài ra, lạm dụng thương hiệu dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Chính những công ty lạm dụng thương hiệu bất hợp pháp sẽ làm đà tăng trưởng của công ty bị lạm dụng chậm lại, thậm chí có thể suy giảm do mang tới dịch vụ không đồng nhất về chất lượng, gây nhầm lẫn cho người sử dụng dịch vụ.

Hiện, Luật chưa có quy định nào về việc tổng thầu khi chọn đơn vị thi công khác thì phải tổ chức đấu thầu công khai. Trên thực tế, lãnh đạo đơn vị tổng thầu có thể lạm dụng đẩy gói thầu thi công xây dựng cho đơn vị do lãnh đạo công ty lập ra, hoặc theo các đơn vị quen biết đã hợp tác từ trước để hưởng phần trăm chênh lệch.

Ai giải được câu hỏi Coteccons trượt giá?! - Ảnh 1
Ai giải được câu hỏi Coteccons trượt giá?! - Ảnh 2
Cần cẩu lớn của nhà thầu Conteccons gẫy gập trên công trường

Điều này dẫn đến việc thiệt hại quyền lợi cho các cổ đông nhỏ hơn trong đơn vị tổng thầu, bên cạnh đó vì có nhiều trường hợp vì lợi nhuận cá nhân mà lựa chọn đơn vị thi công kém chất lượng, dẫn đến ảnh hưởng tới thương hiệu của cả một tập thể, ngoài ra dẫn tới việc thất thoát không nhỏ tài chính của nhà đầu tư khi giá thầu không được tối ưu nhất. Có thể nhận thấy đây là thực trạng vô cùng phổ biến trên thị trường bất động sản xây dựng hiện nay. Nó phản ánh kẽ hở pháp lý mà những nhà lập pháp cần khắc phục.

Với người tư vấn luật, chúng tôi đề xuất giải pháp nhỏ để giảm thiểu hiện trạng hiện nay: Cần minh bạch, rõ ràng thông tin các đơn vị thi công mà tổng thầu chỉ định. Các đơn vị thầu phụ không có mối quan hệ nhân thân gia đình hay liên quan lợi ích trực tiếp với lãnh đạo công ty tổng thầu.

Trường hợp có mối liên kết như trên thì yêu cầu tổng thầu công khai đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công xây dựng để được giá tối ưu nhất, hoặc do chính tổng thầu thực hiện lắp đặt thi công để tránh việc lạm dụng thương hiệu tập thể để mang lợi ích về cho cá nhân. Ngoài ra, việc lựa chọn thầu phụ cần lấy ý kiến đại hội đồng cổ đông để tránh việc các cổ đông nhỏ thiệt thòi về quyền và lợi ích.

CTD chắc chắn mất giá không phải vì tin đồn

CTD vẫn là tổng thầu lớn nhất nhì thị trường, tuy nhiên giá cổ phiếu lại trượt giảm quá mạnh (khoảng 30%, từ mức trên 200.000 đồng/cổ phiếu có thời điểm xuống 130.000 -140.000 đồng cổ phiếu) khiến nhà đầu tư không khỏi hoang mang.

Việc cổ phiếu CTD trượt giá, đại diện phía công ty khẳng định, giá cổ phiếu của công ty giảm là do có tin đồn nhà đầu tư lớn nhất (Kustocem Pte. Ltd sở hữu gần 18%) thoái vốn. Tại đại hội cổ đông năm 2018 vừa qua của CTD, đại diện Kustocem Pte. Ltd cũng phủ nhận chuyện bán cổ phiếu.

Ai giải được câu hỏi Coteccons trượt giá?! - Ảnh 3


Về việc giá cổ phiếu giảm khiến cổ đông thiệt hại, có ý kiến cho rằng, nếu nhà đầu tư có bán cổ phiếu ở mức giá 130.000 đồng thì họ vẫn sẽ không bị tổn thất vì thực tế, giá cổ phiếu CTD đã tăng rất mạnh từ vùng 50.000 – 60.000 đồng/cp.

Nhưng thực tế, nếu nhà đầu tư mới “dính” vào CTD thời điểm giá cổ phiếu vượt qua ngưỡng 200.000 đồng/cổ phiếu, vì tin tưởng vào quá trình phát triển bền vững và tăng trưởng ổn định của công ty thì họ có thiệt hại không?!

Chưa kể, nếu giá cổ phiếu CTD giảm do tin đồn cổ đông lớn thoái vốn thì đó là diễn biến mang tính thời điểm, không thể kéo dài hàng quý. Và nếu chỉ là tin đồn, cổ phiếu CTD không thể mất giá đến 30%. Và nếu đúng như phản ánh của cổ đông và nhà đầu tư, CTD đang bị lạm dụng thương hiệu thì đà giảm này chưa thể chấm dứt.

Các chỉ tiêu tài chính của CTD đang giảm sút

Đà giảm giá cổ phiếu CTD, thực tế, bắt đầu từ nửa cuối tháng 1/2018, sau 2 lần cố gắng trở lại trong tháng 12/2017. Hồi đầu năm 2018, các nhà đầu tư cho rằng, có thể nguyên nhân chính kéo giá cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành về xây dựng lao dốc một cách dứt khoát là những số liệu từ BCTC năm được công bố, trong đó biên lợi nhuận và nhiều vấn đề về tài chính khiến những nhà đầu tư vào cổ phiếu này lo ngại về triển vọng trong tương lai.

Cuối tháng 1, nhiều công ty chứng khoán cũng đã nhận định về triển vọng không mấy tích cực của CTD sau những số liệu tài chính đã công bố. "Lỡ kế hoạch lợi nhuận năm 2017 do biên lợi nhuận gộp Q4/2017 thấp kỷ lục" - tiêu đề báo cáo của ACBS về Coteccons, đồng thời công ty chứng khoán này quyết định hạ khuyến nghị từ mua xuống nắm giữ. Khi đó cổ phiếu CTD còn 191.000 đồng.

Lập luận của ACBS xuất phát từ KQKD trong quý cuối cùng của năm 2017 khi doanh thu thuần của CTD đạt gần 9.000 tỷ đồng, tăng 22% nhưng lợi nhuận ròng chỉ đạt hơn 460 tỷ đồng, không tăng trưởng. Trong đó biên lợi nhuận gộp của CTD trong giai đoạn này đạt mức thấp kỷ lục 6,4%.

Nguyên nhân chính, theo ACBS, là do giá nguyên liệu tăng, một số dự án ký mới với các khách hàng trung thành có biên lợi nhuận thấp (khoảng 6%) và việc ghi nhận một số dự án bị đẩy sang năm 2018. Trong số những nguyên nhân này, hai yếu tố sau đóng vai trò chính khiến biện lợi nhuận gộp của CTD giảm mạnh. Kết quả này cũng kéo biên lợi nhuận gộp năm 2017 của CTD chỉ còn 7,4%, giảm 1,3% so với năm 2016.

Cùng quan điểm này, VCSC cho rằng, biên lợi nhuận của công ty sẽ tiếp tục giảm trong 2 năm tới và chỉ phục hồi vào năm 2020. ACBS dự báo biên lợi nhuận gộp của CTD sẽ giảm về 7% năm 2018 và 6,7% vào năm 2019. Lợi nhuận theo đó sẽ đạt đỉnh vào năm nay và lần đầu ghi nhận sụt giảm vào năm sau.

Ngoài vấn đề này, phải thu ngắn hạn tăng nhanh cũng đang dấy lên nhiều lo ngại. "Phải thu ngắn hạn khách hàng tăng mạnh gần 1.900 tỷ đồng trong quý IV/2017 và 2.800 tỷ trong năm 2017", báo cáo ACBS viết. Một trong những khoản phải thu lớn có liên quan là của CTCP May Diêm Sài Gòn - chủ đầu tư của dự án chung cư The Goldview với tổng giá trị hợp đồng 3.000 tỷ đồng.

Dù được Coteccons đánh giá không đáng lo ngại và ACBS cũng cho rằng không đáng ngại, tuy nhiên việc này có thể tạo tiền lệ cho những năm sau, khi trước đó khoản mục này của công ty chưa bao giờ tăng quá 800 tỷ đồng/ năm.

An Khuê/Hoanhap

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục