800 tỷ đồng trái phiếu phát hành vừa 'chảy' về tài khoản Hải Phát Invest

Hải Phát Invest vừa công bố phát hành thành công 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 800 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Hải Phát Invets phải trả tổng nợ trái phiếu đến hạn lên đến 1.300 tỷ đồng.

Hải Phát Invest huy động thành công 800 tỷ đồng trái phiếu

Theo thông tin trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã CK: HPX), vừa công bố phát hành thành công 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 800 tỷ đồng.

Cụ thể, lô trái phiếu mã HPXH2123001 (mã theo dõi bổ sung tại HPX và các đối tác liên quan là HPXH2122001) phát hành ngày 24/12/2021, hoàn tất phát hành vào ngày 12/1/2022, kỳ hạn 2 năm, đáo hạn vào ngày 24/12/2023. Khối lượng gồm 4,5 triệu trái phiếu với mệnh giá 100 nghìn đồng/trái phiếu, tương đương số tiền huy động thành công là 450 tỷ đồng.  Ngoài ra, các thông tin về lãi suất, trái chủ, mục đích phát hành và bên đứng ra thu xếp thương vụ hay tài sản đảm bảo không được công bố chi tiết.

Mã trái phiếu HPXH2224001 (mã theo dõi bổ sung tại HPX và các đối tác liên quan là HPXH2223001) phát hành ngày 12/1/2022, hoàn tất phát hành vào ngày 10/2/2022, kỳ hạn 2 năm, đáo hạn vào ngày 12/1/2024. Khối lượng gồm 3,5 triệu trái phiếu với mệnh giá 100 nghìn đồng/trái phiếu, tương đương số tiền huy động thành công là 350 tỷ đồng.

800 tỷ đồng trái phiếu phát hành vừa 'chảy' về tài khoản Hải Phát Invest - Ảnh 1
Thông tin 2 lô trái phiếu 800 tỷ của Hải Phát Invest
Thông tin 2 lô trái phiếu 800 tỷ của Hải Phát Invest

Ngoài ra, các thông tin về lãi suất, trái chủ, mục đích phát hành và bên đứng ra thu xếp thương vụ hay tài sản đảm bảo của cả 2 lô trái phiếu không được doanh nghiệp công bố chi tiết. Hải Phát Invest cho biết, doanh nghiệp có quyền mua lại toàn bộ hoặc một phần số trái phiếu đang lưu hành tại bất kỳ thời điểm nào kể từ ngày phát hành. Việc mua lại trái phiếu trước hạn được thực hiện theo quy định tại các điều kiện trái phiếu.

Cũng theo dữ liệu trên HNX, thời gian qua, Hải Phát Invest liên tục phát hành trái phiếu để huy động vốn. Theo đó, doanh nghiệp đã huy động thành công hơn 4.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu trong khoảng 1 năm qua.

BCTC hợp nhất quý II/2022 vừa được doanh nghiệp công bố mới đây cũng cho thấy, tổng các khoản vay trái phiếu gồm cả ngắn hạn và dài hạn của Hải Phát Invest tại ngày 30/6 có giá trị hơn 4.195 tỷ đồng, chiếm tới 64% tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2022, tổng nợ phải trả của Hải Phát Invest ghi nhận gần 6.540 tỷ đồng, tăng gần 488 tỷ đồng so với đầu năm và gần gấp 2 lần vốn chủ sở hữu, chủ yếu tăng khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

Trong đó, tổng nợ vay tại các ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hơn 5.300 tỷ đồng. Riêng khoản vay trái phiếu dài hạn và một số trái phiếu sắp đến hạn trả chiếm hơn 4.195 tỷ đồng, tăng 8,6% so với thời điểm đầu năm (hơn 3.860 tỷ đồng). Trong cơ cấu nợ, vay nợ tài chính của doanh nghiệp chiếm gần 53% vốn chủ sở hữu. Tức là nguồn vốn hoạt động của Hải Phát Invest chủ yếu dựa vào vốn đi vay.

Nợ phải trả tại Hải Phát Invest gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.
Nợ phải trả tại Hải Phát Invest gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.

1.300 tỷ đồng nợ trái phiếu sắp đến hạn

Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn từ nay đến cuối năm 2022 và tháng 1/2023 của doanh nghiệp này lên đến 1.300 tỷ đồng.

Theo đó, Hải Phát Invest có 4 lô trái phiếu sẽ đáo hạn từ nay đến cuối năm. Cụ thể, mã trái phiếu HPXH2122005, Hải Phát đã huy động thành công 100 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, lãi suất cố định 10,5%/năm, kỳ hạn 15 tháng sẽ đáo hạn vào ngày 16/10/2022 tới đây.

Mã trái phiếu HPXH2122010 với giá trị huy động 200 tỷ đồng, lô trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào ngày 9/12/2022; Mã trái phiếu HPXH2122011 với giá trị huy động 450 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào 24/12/2022; Mã trái phiếu HPXH2122002 với giá trị huy động 100 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cố định 11%/năm, đáo hạn vào ngày 17/11/2022.

Thông tin lô trái phiếu 450 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào cuối năm nay của HPX
Thông tin lô trái phiếu 450 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào cuối năm nay của HPX

Trong đó, riêng lô trái phiếu giá trị 450 tỷ đồng đáo hạn trong tháng 12 năm nay, Hải Phát Invest cho biết đã có văn bản thỏa thuận thời gian đáo hạn đến ngày 24/12/2023.

Ngoài ra, doanh nghiệp có 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 450 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào những ngày đầu tiên của năm 2023. Cụ thể, mã trái phiếu HPX2123004 với giá trị huy động 100 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng. Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo, lãi suất cố định 11%/năm, đáo hạn vào ngày 6/1/2023; Mã trái phiếu HPXH2223001 với giá trị huy động 350 tỷ đồng, đáo hạn vào ngày 12/1/2023.

Theo thuyết minh tại BCTC hợp nhất quý II, ngoại trừ khoản vay hơn 100 tỷ từ cá nhân chịu lãi suất 15%/năm, các khoản vay trái phiếu của Hải Phát Invest chịu lãi suất dao động khoảng 10,5 - 11%,5/năm. Kỳ hạn trả lãi 3 – 6 tháng/lần.

Với việc huy động trái phiếu rầm rộ từ năm ngoái đến nay, Hải Phát đang phải chịu mức lãi suất tăng vọt so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp ghi nhận mức lãi phải trả 6 tháng đầu năm trên báo cáo kết quả kinh doanh là 197,4 tỷ đồng, thực tế, số tiền lãi mà Hải Phát thực chi là 251 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nguyên nhân chính kéo lợi nhuận Hải Phát giảm sâu. Đồng thời cũng đang khiến doanh nghiệp phải chịu sức ép trả nợ gốc và lãi rất lớn.

Trong khi đó, những diễn biến kém tích cực trong thời gian gần đây của thị trường bất động sản cũng khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, giao dịch bất động sản chững lại khi dòng vốn tín dụng bị siết chặt cộng hưởng tác động từ khâu pháp lý. Thứ hai, dòng vốn qua hai kênh điển hình đi vay và trái phiếu bị cơ quan nhà nước kiểm soát chặt hơn.

Dự án Roman Plaza của Hải Phát Invest
Dự án Roman Plaza của Hải Phát Invest

Gặp khó trong các hoạt động huy động vốn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh sụt giảm, các công ty phải đối mặt với các khoản nợ vay, trái phiếu đến hạn.

Theo Chứng khoán KBSV, giai đoạn cuối năm 2022 - 2024 sẽ là giai đoạn khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu đáo hạn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để xoay vòng, đặc biệt trong bối cảnh hạn chế dòng vốn từ ngân hàng, trái phiếu và thị trường bất động sản ảm đạm.

Chịu nhiều sức ép về nguồn tiền, phải vay ngân hàng để trả lương

Nhìn vào thực tế dòng tiền tại Hải Phát Invest cho thấy, doanh nghiệp đang phải chịu sức ép về nguồn tiền ngay trong nửa cuối cuối năm 2022. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 của Hải Phát Invest ghi nhận, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm nay âm 620,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái âm gần 1.550 tỷ đồng.

Về hoạt động đầu tư, dòng tiền nửa đầu năm nay âm gần 332 tỷ đồng do công ty chi 757 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác. Nửa đầu năm ngoài dòng tiền dương do công ty thu lượng lớn từ thanh lý, nhượng bán tài sản, thu hồi cho vay và bán công cụ nợ, thu hồi vốn góp.

Trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư đều âm, dòng tiền của Hải Phát được bổ sung nhờ tiền đi vay gần 928 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần số tiền chi trả nợ gốc vay.

Dòng tiền kinh doanh của HPX âm hơn 620 tỷ đồng
Dòng tiền kinh doanh của HPX âm hơn 620 tỷ đồng

Chi tiết về các khoản vay tài chính của Hải Phát Invest cho thấy, doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay ngắn hạn ngân hàng để trả lương. Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đô Thành, Hải Phát Invest vay hạn mức 20 tỷ đồng, hợp đồng ngày 8/3/2022, thời hạn vay không quá 6 tháng, lãi suất tại thời điểm giải ngân là 6,5% nhằm mục đích thanh toán lương, thưởng. Khoản vay tại MB với hạn mức cấp tín dụng 9 tỷ, lãi suất 7,15%, thời hạn vay không quá 6 tháng từ ngày 20/8/2021 để trả lương.

Một số khoản vay ngân hàng để trả lương và thanh toán các chi phí của HPX
Một số khoản vay ngân hàng để trả lương và thanh toán các chi phí của HPX

Đáng chú ý, Hải Phát Invest phát sinh khoản vay với các cá nhân không nêu rõ tên là 121 tỷ đồng với lãi suất lên đến 15%/năm. Đây là mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng và trái phiếu. Hầu hết các khoản phát hành trái phiếu của Hải Phát Invest đều có mức lãi suất trung bình 11%/năm.

Tại thời điểm 30/6, tiền và tương đương tiền của Hải Phát (hợp nhất) là 293,7 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 634,7 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Tại ngày 31/3, lượng tiền và tương đương tiền của Hải Phát là hơn 746 tỷ đồng. Như vậy, lượng tiền của Hải Phát đang thấp nhất trong ba quý trở lại đây.

Đối với các khoản đầu tư vào công ty liên kết của Hải Phát Invest ghi nhận sụt giảm rõ rệt tại Hải Phát Land. Cụ thể, thuyết minh báo cáo tài chính ghi nhận, Hải Phát Invest đang đầu tư vào Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land) với giá gốc tại ngày 1/1/2022 là 419 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ nắm giữ 48,8%. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6/2022, khoản đầu tư này chỉ còn 354 tỷ đồng.

Chi tiết một số khoản vay của HPX.
Chi tiết một số khoản vay của HPX.

Về kết quả kinh doanh, quý II/2022 doanh thu thuần (chủ yếu là doanh thu kinh doanh bất động sản) của Hải Phát Invest đạt hơn 525 tỷ đồng, tăng 6% và LNST đạt hơn 11 tỷ đồng, giảm gần 84% so với cùng kỳ năm trước. Theo Hải Phát Invest, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do điều chỉnh lợi nhuận hợp nhất công ty liên kết.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Hải Phát Invest ghi nhận hơn 581 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 22% và LNST đạt gần 33 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất tối thiểu đạt 2.700 tỷ đồng và LNST hợp nhất tối thiểu đạt 450 tỷ đồng, lần lượt tăng 94% và 37% so với kết quả thực hiện năm 2021. Như vậy, đã hết nửa năm, công ty vẫn còn cách rất xa mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Bình Nguyên

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục