8 địa điểm bạn nên đi lễ đầu năm dịp Tết Đinh Dậu 2017

(Kinhdoanhnet) - Lễ chùa đầu năm là một trong những hoạt động chính của hành trình du lịch ngày Tết của nhiều gia đình Việt. Dưới đây là 8 ngôi chùa bạn nên đến vào dịp đầu xuân năm mới Đinh Dậu 2017 để cầu sức khỏe, bình an, tài lộc cho cả gia đình.

Chùa Hà 

Chùa Hà là một trong những ngôi chùa nằm trên địa bàn phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy được nhiều người dân Hà Nội biết và đến lễ vào những dịp Tết, ngày rằm. Đây là một trong những ngôi chùa cầu may rất linh thiêng trong chuyện cầu duyên.Chùa Hà là ngôi chùa cầu may bạn nên đi đầu năm mới này. 

8 địa điểm bạn nên đi lễ đầu năm dịp Tết Đinh Dậu 2017 - Ảnh 1

Đến đây không chỉ có những người đang cô đơn, lẻ bóng, những người không may trong chuyện gia đình, mà còn cả những đôi bạn trẻ đến cầu mong cho chuyện tình cảm tốt đẹp hơn. Người đi chùa Hà cũng không sắp lễ nhiều như ở những chùa khác chỉ đơn giản là một ít tiền vàng, hoa, trầu cau đựng trong một chiếc khay nhỏ và một thứ không thể thiếu là tiền lẻ.

Phủ Tây Hồ 

Phủ Tây Hồ thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Phủ thờ Liễu Hạnh Công chúa, một nhân vật trong truyền thuyết, và là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh).

Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía đông của Hồ Tây. Ở ngay đầu làng có một ngôi đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, một người đàn bà tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ nên đã được dân gian thần thánh hoá tôn làm Thánh Mẫu (Thánh Mẹ). Hàng năm cứ sau thời khắc giao thừa, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây.

 

8 địa điểm bạn nên đi lễ đầu năm dịp Tết Đinh Dậu 2017 - Ảnh 2

8 địa điểm bạn nên đi lễ đầu năm dịp Tết Đinh Dậu 2017 - Ảnh 3

Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất trong hệ thống những đình chùa ở Hà Nội và đây cũng là một trong những chùa cầu may trong đầu năm mới. Không chỉ những người dân Hà Nội mà đa số du khách khắp nơi khi đến thăm Hà Nội thì đều đến thắp hương cầu phúc ở Phủ Tây Hồ để hi vọng một năm may mắn và an lành.

Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng di tích Lịch sử - Văn hóa ngày 13 tháng 2 năm 1996. Ngoài ra, tại sân phủ có một cây si cổ thụ cũng đã được công nhận là “cây di sản Việt Nam”, và ở kề bên phủ còn có đền Kim Ngưu thờ Trâu Vàng theo truyền thuyết.

Chùa Trấn Quốc 


Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nằm cạnh Hồ Tây, ở cuối đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội. Chùa được xây từ thời Lý Nam Đế (541-547) ở gần sông Hồng, đến năm 1615, được dời vào vị trí ngày nay. Chùa có vườn tháp cổ u tịch, có nhiều tượng Phật giá trị, đặc biệt là tượng Thích Ca nhập Niết Bàn. Chùa là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

 

 

8 địa điểm bạn nên đi lễ đầu năm dịp Tết Đinh Dậu 2017 - Ảnh 4

Hà Nội có khá nhiều đền, chùa, song riêng Trấn Quốc vẫn thuộc loại chùa cổ nhất, như đã đắc đạo trên đường tu luyện mà mặt nước Hồ Tây đầy huyền thoại làm chứng quả. Chùa không nhiều bậc đá rêu phong, hay núi non trùng điệp, nhưng thật yên bình cùng sóng nước ngân nga, vẫn có thể cho hồn ta giọt nước cành dương, rửa đi một phần thế tục, để làm Lành làm Thiện với nhân gian...

Chùa Hương

 

8 địa điểm bạn nên đi lễ đầu năm dịp Tết Đinh Dậu 2017 - Ảnh 5

Địa điểm rất quen thuộc với mỗi người dân miền Bắc dịp đầu năm chính là chùa Hương – xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương thực tế là cả một quần thể văn hóa – tôn giáo Hương Sơn. Trung tâm chính của chùa Hương là ngôi chùa nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc nằm rải rác trong thung lũng suối Yến bao gồm những công trình cổ xưa cho tới những kiến trúc do chính thiên nhiên kiến tạo nên mang dáng dấp độc đáo và cổ kính mà bạn không nên bỏ qua.

Chùa Bái Đính 

Chùa Bái Đính nằm trong quần thể Danh thắng Tràng An, cách trung tâm thành phố Ninh Bình 15 km, cách thủ đô Hà Nội khoảng 95 km; nằm ở phía Tây khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình. Tới Bái Đính, người ta không thể không nhắc tới những kỉ lục mà nó sở hữu: ngôi chùa lớn nhất Việt Nam; tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; chuông đồng lớn nhất Việt Nam; hành lang La Hán dài nhất Đông Nam Á… Năm 2010, chùa Bái Đính cũng là nơi tổ chức Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam.

8 địa điểm bạn nên đi lễ đầu năm dịp Tết Đinh Dậu 2017 - Ảnh 6

8 địa điểm bạn nên đi lễ đầu năm dịp Tết Đinh Dậu 2017 - Ảnh 7

Với quy mô hoành tráng, kiến trúc đồ sộ với những chi tiết được trạm khắc tinh tế, chùa Bái Đính khiến du khách không khỏi choáng ngợp. Ngôi chùa này là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc; những bức tượng đồng được thể hiện tinh tế, tái hiện những linh vật hay tượng Phật; những bức tường vẽ mây vờn núi cùng không gian thanh tịnh khiến mỗi bước chân của du khách đều thư thái, tâm thanh tịnh lạ thường.

Đền Bà Chúa Kho 

Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh, cách Hà Nội 25 km, nổi tiếng linh thiêng về cầu làm ăn buôn bán. Đền Bà Chúa Kho được dân gian truyền gọi là "Ngân hàng địa phủ". Năm hết, người người đã đến vay bà Chúa đầu năm lại đến làm lễ để trả cái lễ đã vay. Cứ vào dịp đầu xuân năm mới hàng ngàn khách thập phương trong cả nước lại đến chiêm bái, thắp hương và dâng phẩm vật kính lễ bà Chúa kho, cầu mong một năm mới an lạc thịnh vượng và hạnh phúc.

8 địa điểm bạn nên đi lễ đầu năm dịp Tết Đinh Dậu 2017 - Ảnh 8

Các thương gia, các nhà doanh nghiệp ai cũng cố vào được cửa Bà. Bằng mọi giá, mọi cách, họ phải khấn vái và đặt lễ được trước… mặt Bà. Có vậy Bà mới cho lộc, mới mở kho xuất tiền cho vay. Mọi người lên lễ Bà Chúa Kho để vay tiền hoặc xin "lộc rơi lộc vãi". Vay thì thủ tục khá rắc rối, phải qua nhiều ban bệ. Đa số mọi người lên xin lộc rơi lộc vãi nhưng năm nào cũng lên tạ lễ Bà đã phù hộ cho.

Đền Trần 

8 địa điểm bạn nên đi lễ đầu năm dịp Tết Đinh Dậu 2017 - Ảnh 9

Cứ ngày 14 tháng riêng âm lịch hàng năm, Nam Định tổ chức lễ khai ấn Đền Trần, nơi thờ các vị vua đời Trần. Dù chỉ đêm 14 tháng Giêng mới khai ấn đền Trần nhưng mới mùng 7, mùng 8 Tết, phủ Thiên Trường Nam Định đã tấp nập du khách thắp hương, vãn cảnh đầu xuân. Đền Trần là công trình thờ tự có từ lâu đời, thờ 14 vị vua triều Trần.

Thế nên, dù Đền Trần có hơn hai chục ngày lễ nhưng Lễ khai ấn là đại lễ được mong đợi nhất trong năm. Theo tương truyền, ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 - 24h của ngày 14 tháng giêng. Vì vậy hàng vạn, hàng triệu người khắp nơi đổ về Đền Trần chen chúc, xô đẩy nhau cũng chỉ mong xin được ấn vào thời khắc thiêng liêng ấy. Để xin được ấn vua ban lúc nửa đêm, người ta phải xếp hàng, xin thẻ từ trước đó rất lâu, hoặc đến thời điểm khai ấn.

Đền Ông Hoàng Bảy 

8 địa điểm bạn nên đi lễ đầu năm dịp Tết Đinh Dậu 2017 - Ảnh 10

Đền Ông Hoàng Bảy thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, cách thành phố Lào Cai 60 km về phía nam. Đây là đền thờ thần vệ quốc Hoàng Bảy, người anh hùng miền sơn cước đã có công đánh đuổi giặc phương Bắc để bảo vệ xóm làng. Nơi đây còn có tên gọi khác là đền Bảo Hà. Nhìn từ xa, đền uy nghi, tĩnh mặc, phong cảnh hữu tình trên bến dưới thuyền, xung quanh là núi non bao la rộng lớn. Đền Ông Hoàng Bảy có lưng tựa vào núi, mặt hướng theo dòng sông Hồng và mang đậm những nét kiến trúc truyền thống của đền chùa Việt Nam theo phong thủy. Đến ngôi đền này dịp đầu năm vừa là dịp để du khách tưởng nhớ công ơn của vị tướng Hoàng Bảy, cũng là dịp để cầu mong những điều tốt lành cho năm mới hay đơn giản là vãn cảnh chùa thanh tịnh.

Minh Anh (Tổng hợp)


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục