7 ngân hàng tranh nhau một kho cà phê: Bài học “để đời”

Rõ ràng chỉ với một kho cà phê nhưng Trường Ngân lại có thể mang đi thế chấp cùng một lúc cho 7 ngân hàng khác nhau. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo, tắc trách trong công việc của nhân viên ngân hàng đồng thời cho thấy nhiều lỗ hỏng trong hệ thống pháp luật hiện nay.

Không những vậy, vụ việc Cty Trường Ngân thế chấp cà phê để vay cùng lúc 7 NHTM là Techcombank, VietinBank, Agribank, MaritimeBank, MB, VIB, OCB hơn 600 tỷ đồng đã bộc lộ nhiều lỗ hổng của cả hệ thống pháp luật và hệ thống ngân hàng.

Chỉ với một kho cà phê, Công ty Trường Ngân đã thế chấp cho nhiều ngân hàng để vay hàng trăm tỷ đồng
Chỉ với một kho cà phê, Công ty Trường Ngân đã thế chấp cho nhiều ngân hàng để vay hàng trăm tỷ đồng.

Nhiều lỗ hổng

Chỉ với một kho cà phê, Cty Trường Ngân đã thế chấp cho nhiều ngân hàng để vay hàng trăm tỷ đồng. Đã vậy, các cơ quan tòa án lại chấp nhận để DN này và một ngân hàng thỏa thuận phát mãi mà không xem xét đến quyền lợi của các chủ nợ khác. Những quyết định thiếu tính khả thi của tòa án đã dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực. Các ngân hàng thì giành nhau quyền định đoạt kho cà phê của Cty Trường Ngân. Quyết định của các cơ quan tư pháp thì đá nhau, DN và người dân ngán ngẩm…

Công an thị xã Dĩ An vừa có công văn đề nghị Cty CP đấu giá Minh Pháp (TP HCM) dừng ngay việc đấu giá đối với số cà phê mà Cty Trường Ngân đã bàn giao cho Ngân hàng Agribank - chi nhánh Lý Thường Kiệt (TP HCM) vào cuối tháng 11 vừa qua theo thỏa thuận của hai đương sự này. Theo thông báo của Cty Minh Pháp, Cty này bắt đầu tổ chức đấu giá lô cà phê 418 tấn tiếp nhận từ Cty Trường Ngân với giá khởi điểm hơn 17 tỷ đồng vào ngày 15/12/2014. Theo Công an thị xã Dĩ An, số cà phê trên có liên quan đến vụ tranh chấp giữa Techcombank và đơn vị này. Ngay sau khi Agribank tiếp nhận lượng cà phê trong kho của Cty Trường Ngân, Công an tỉnh Bình Dương đã nhận được tài liệu, hồ sơ khiếu nại của Techcombank. Ngoài ra, công an cũng xác định kho cà phê đang tranh chấp liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân ở nhiều nơi.

Tính đến thời điểm này, Cty Trường Ngân đang nợ Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt hơn 67 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là gần 64 tỷ. Tuy nhiên, theo đại diện một số ngân hàng liên quan trong vụ tranh chấp, lô cà phê thế chấp tại kho của Cty Trường Ngân cũng được DN này thế chấp vay vốn nên họ không đồng ý để Agribank phát mãi. Đồng thời, nội dung thỏa thuận giữa Agribank và Cty Trường Ngân chỉ diễn ra "đơn phương", bỏ qua quyền lợi hợp pháp của các nhà băng khác. Chẳng hạn VIB Bank được Trường Ngân thế chấp toàn bộ kho để vay, hiện Trường Ngân nợ của VIB khoảng 120 tỷ đồng, trong đó có 111 tỷ đồng tiền nợ gốc.

Vào đầu tháng 12/2013, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đã chuẩn bị tiến hành phát mãi kho cà phê trên với số lượng khai báo là 3.360 tấn cà phê mà Cty Trường Ngân đã cầm cố thế chấp cho mình dựa trên quyết định công nhận sự thỏa thuận ngày 05/6/2013 của TAND quận 4 (TP HCM). Động thái này của Ngân hàng OCB cũng gặp phải phản ứng dữ dội của các ngân hàng khác.

Đến tháng 5/2014, TAND TP HCM đã ra bản án giám đốc thẩm tuyên huỷ quyết định trên của TAND quận 4 vì tài sản này đang được cầm cố cho nhiều ngân hàng khác. Tòa cấp trên cũng cho rằng, trong quá trình thụ lý giải quyết, TAND quận 4 không cho các ngân hàng còn lại tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Như vậy, kể từ khi xảy ra vụ tranh chấp giữa 7 ngân hàng ở TP HCM liên quan kho cà phê của Cty Trường Ngân thì đây là lần thứ hai, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã phải can thiệp dừng việc phát mãi.

Những bài học "để đời"

Nhìn lại vụ việc cho thấy, chuyện tranh chấp kho hàng cà phê nói trên chỉ là hệ quả tất yếu của một chuỗi dài những sai sót về nghiệp vụ trong hoạt động cho vay và quản lý nguồn vốn của các NHTM. Đặc biệt là trong khoảng thời gian 2009-2012, khi các NH đều chạy đua tăng trưởng tín dụng mà lơi lỏng khâu quản trị rủi ro.

Cán bộ tín dụng thực hiện nghiêm túc công việc thẩm định khách hàng thì hiện tượng cùng một kho hàng thế chấp nhiều nơi là không thể. Nếu tính về mặt giá trị, để vay được 600 tỷ đồng, Cty Trường Ngân phải thế chấp tương đương 12.000 tấn cà phê. Tuy nhiên, thực tế kho hàng trên chỉ có hơn 400 tấn cà phê, còn lại là tạp chất và vỏ chiếm tới hơn một nửa. Số lượng cà phê có thật trong kho chỉ được làm rõ khi vụ việc đã bị vỡ lở. Quay trở lại từ khâu kiểm tra, thẩm định tài sản bảo đảm, đây là trách nhiệm của các NHTM. Từ cán bộ ngân hàng đến công tác đăng ký giao dịch bảo đảm đều có vấn đề. Những quy trình này đã bị các ngân hàng xem nhẹ và chỉ chú trọng chạy đua tăng trưởng tín dụng.

Mặt khác, qua vụ việc trên đã chỉ ra, khâu quản lý tài sản đảm bảo của các NH cũng hết sức lỏng lẻo. DN không chỉ dễ dàng gian dối trong hồ sơ vay vốn để dùng cùng một lượng hàng thế chấp nhiều nơi, mà họ còn có thể âm thầm "rút ruột" kho hàng đã đem thế chấp mà các NHTM không hề hay biết. Bên cạnh đó, có một thực tế, cho vay thế chấp hàng hóa chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động ngắn hạn. Mục đích vay vốn, khả năng quay vòng vốn để trả nợ là những nội dung rất đáng phải lưu tâm. Khi đã thế chấp hàng hóa thì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gần như đã bị ngừng trệ vì họ không có nguyên liệu để sản xuất hay phân phối. Những rủi ro này cả DN và ngân hàng đều phải lường trước.

Vụ việc tranh chấp kho cà phê nói trên tính đến thời điểm hiện nay đã kéo dài hơn 2 năm nhưng vẫn bế tắc. Lượng cà phê hay còn gọi là tài sản thế chấp tính đến thời điểm này cũng chẳng còn là bao. Do vậy, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, các ngân hàng nên ngồi lại với nhau để thống nhất một phương án giải quyết tài sản thế chấp một cách hợp lý. Đây sẽ là cơ sở để hạn chế những thiệt hại mà các NH tiếp tục phải gánh chịu.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự sẽ có hiệu lực từ 01/7/2015. Luật mới đã quy định nâng cao trách nhiệm của Tòa án đối với những bản án và quyết định của mình, trong giai đoạn thi hành án.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục