Trước đó vào ngày 13/7, Cơ quan công an đã tiến hành khám xét chỗ ở của hai ông này tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quyết định khởi tố bị can, ông Bình đã chỉ đạo ông Sơn gian dối khi ký hợp đồng thế chấp khoảng 24.000 tấn cà phê hạt, nhưng thực tế chỉ có hơn 8.000 tấn thế chấp, khoảng 16.000 tấn bị công ty thế chấp khống để vay vốn của 7 ngân hàng với số tiền hơn 600 tỷ đồng. Cụ thể, khi di dời kho cà phê để chờ các phán quyết của tòa án, lực lượng chức năng phát hiện chỉ có những bao cà phê bên ngoài là thật, còn lại toàn bộ 800 tấn rác được độn bên trong. Các ngân hàng nhận thấy dấu hiệu lừa đảo của Công ty Trường Ngân nên đã đồng loạt làm đơn tố cáo hành vi trên.
Trước đó, vụ việc được phát giác vào đầu tháng 6/2013, khi giữa 7 ngân hàng cho Công ty Trường Ngân vay vốn đã xảy ra tranh chấp đối với hợp đồng tín dụng liên quan đến lô cà phê được Công ty Trường Ngân tín chấp lưu tại kho của công ty ở khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.
Sau đó, các ngân hàng này đã có buổi hòa giải với Công ty Trường Ngân và đồng ý phát mãi số cà phê lưu giữ tại kho. Tuy nhiên, tại buổi hòa giải các ngân hàng phản ứng do có sự chồng lấn lẫn nhau đối với các lô hàng được Công ty Trường Ngân tín chấp khiến các cuộc phát mãi sau đó trở thành “cuộc chiến” giữa các ngân hàng. Đến tháng 12/2013, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cũng phát mãi 3.360 tấn cà phê mà Công ty Trường Ngân đã cầm cố dựa trên quyết định của Tòa án nhân dân quận 4 (Thành phố Hồ Chí Minh), công nhận sự thỏa thuận giữa OCB và Công ty Trường Ngân. Động thái này của Ngân hàng OCB cũng gặp phải phản ứng dữ dội của các ngân hàng khác.
Các ngân hàng này đã làm đơn khiếu nại gửi Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu kháng nghị quyết định của Tòa án nhân dân quận 4 với lý do hợp đồng tín dụng của các ngân hàng cung cấp cho thấy số cà phê cầm cố vay vốn của OCB có sự trùng lặp (cùng kho) với số cà phê mà doanh nghiệp này thế chấp cho các ngân hàng. Nhưng quá trình giải quyết vụ kiện, Tòa án nhân dân quận 4 không triệu tập các ngân hàng này. Quyết định công nhận sự thỏa thuận cho OCB có quyền yêu cầu phát mãi đối với toàn bộ tài sản đảm bảo là lô cà phê đang thế chấp tại kho số 2 khi chưa có ý kiến thỏa thuận của các ngân hàng khác là ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của ngân hàng đang nhận cầm cố, thế chấp hàng hóa với Công ty Trường Ngân...
Ngày 17/12/2013, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố xét xử lại vụ kiện theo hướng hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các bên đương sự của Tòa án nhân dân quận 4 vì có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Sau đó, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra bản án giám đốc thẩm tuyên huỷ quyết định trên của Tòa án nhân dân quận 4.
Theo TTXVN