Theo bản danh sách này, có tới hai phần ba số doanh nghiệp tập trung tại hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP HCM.
Cụ thể tại Hà Nội có tới 200 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền lên tới 4.671 tỷ đồng. Còn tại TP.HCM số doanh nghiệp nợ thuế cũng là 200 đơn vị với tổng số thuế nợ hơn 3.517 tỷ đồng.
600 doanh nghiệp có mặt trong danh sách “đen” của Bộ Tài chính
Đáng chú ý tại Hà Nội, công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long đang đứng đầu bản danh sách “đen” với số tiền lên tới 375,2 tỷ đồng. Ngoài ra Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy cũng nợ hơn 133 tỷ đồng, công ty TNHH Xây dựng dân dụng và Công nghiệp Delta nợ trên 100 tỷ đồng.
Cũng khá bất ngờ khi hai đại gia bán lẻ là Thế giới Di động và Nguyễn Kim cũng có mặt trong bản danh sách lần này với khoản nợ thuế lần lượt là 11,9 tỷ đồng và gần 84 tỷ đồng.
Còn tại TP.HCM, Công ty Cổ phần Dịch vụ Dầu khí Saigon đứng đầu bảng với số nợ thuế lên tới 195,8 tỷ đồng trong khi đó Công ty TNHH Xây dựng Trang trí Việt Quốc cũng nợ tới 143,1 tỷ đồng.
Được biết các doanh nghiệp bị bêu tên nói trên có số thuế nợ lớn trên địa bàn, các khoản tiền thuế nợ đã quá 121 ngày, mặc dù cơ quan thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, chậm nộp nhưng vẫn chưa thực hiện.
Do vậy để đảm bảo công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thực hiện đúng quy định của pháp luật, Bộ Tài chính đã yêu cầu các Cục Thuế địa phương thực hiện công khai thông tin về các doanh nghiệp nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế thuế bằng các biện pháp khác như trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại ngân hàng thương mại; yêu cầu phong tỏa tài khoản hoặc biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng theo đúng quy định để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Hoàng Anh (TH theo Vneconomy; VnExpress; Thanh Niên; CAND)