Cách đây vừa đúng 50 năm, cũng vào những ngày thu lịch sử, được sự đồng ý của Hội đồng Chính phủ, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 669/CA-QĐ ngày 11 tháng 8 năm 1969 về việc mở khoá đại học đầu tiên của ngành Công an. Có thể nói, đây là bước ngoặt trong sự nghiệp "trồng người", đào tạo những sỹ quan Công an "vừa hồng vừa chuyên", phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Các cựu sinh viên khóa D1 chụp ảnh lưu niệm trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Công an qua các thời kỳ.
"Chúng con đến trường là ngày Bác đi xa"
Đó là câu thơ mà chúng tôi ghi được trong bài: "Khắc ghi lời Bác trong tim" của Đại tá Phan Gia Liên, cựu sinh viên lớp D1; người mà sau này là Chánh Văn phòng Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương. Tôi không rõ chị đã viết bài thơ ấy từ khi nào, song mỗi lần đọc lại bài thơ ấy với những lời lẽ dung dị: "Chúng con đến trường là ngày Bác đi xa. Nước mắt nhòa mưa rơi giá lạnh. Thấm ướt sân trường đau nhói tim con. Khắc ghi trong tim lời Người di chúc. 450 tấm lòng vẫn như lúc Bác đi xa" là mỗi lần trong mỗi chúng tôi trào dâng ký ức về những ngày đầu tiên sống, học tập và rèn luyện dưới mái trường Đại học An ninh. Kỷ niệm đầu tiên về ngày chúng tôi đến trường cũng là ngày Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã ra đi về cõi vĩnh hằng.
Ngày ấy, Hà Nội cũng như ở nhiều địa phương trong cả nước, trời mưa như trút nước. Dường như ông trời cũng thấu hiểu nỗi đau của người dân đất Việt khi phải vĩnh biệt người Cha già dân tộc. Sinh thời, mặc dù bận trăm công ngàn việc, song Người vẫn dành nhiều thời gian chỉ đạo ngành Công an trong nhiều lĩnh vực.
Trường Công an Trung ương ngày ấy, nay là Học viện An ninh nhân dân đã có niềm vinh dự lớn 8 lần được đón Bác vào thăm. Còn nhớ những ngày đầu tiên đặt chân đến trường, ngoài các môn học về chính trị, pháp luật, chúng tôi thường xuyên được nghe các thầy, cô kể những câu chuyện về Bác, được truyền đạt nội dung bản Di chúc của Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân. Sau mỗi giờ lên lớp, chúng tôi tự hứa với Bác rằng, dù có khó khăn, gian khổ đến đâu cũng phải phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để khi ra trường phải là những chiến sỹ Công an "vừa hồng, vừa chuyên" như lời Bác dạy.
Bác Hồ ra đi đúng vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Chiến tranh bao giờ cũng là sự thử thách khắc nghiệt với sự tồn vong của chế độ: song, trong muôn vàn gian khó, Đảng ta vẫn giữ vững tay chèo, lãnh đạo nhân dân ta vượt qua bao thử thách để đưa sự nghiệp cách mạng đến ngày toàn thắng.
Các học viên lớp D1 ngày ấy có may mắn được chứng kiến giai đoạn lịch sử ấy: Gian khó mà hào hùng. Không biết các bạn sinh viên Học viện An ninh nhân dân giờ đây có nghĩ rằng, ngày chúng tôi sống và học tập ở mái trường này là những ngày phải đối mặt với bao khó khăn và thiếu thốn. Đó là cảnh chia nhau từng bát cơm, cốc nước, không giường, rải chiếu nằm trên nền gạch, sơ tán triền miên, chùa chiền, miếu mạo là giảng đường, vỉa hè, miệng hố phòng không là nơi thảo luận về các kiến thức tiếp thu được vv...
Vậy mà mấy ai ngờ rằng, cuộc sống ngày ấy với chúng tôi sôi động và ấm cúng làm sao. Biết bao bài thơ, đêm diễn với những lời ca lạc quan yêu đời cứ diễn ra dưới ánh đèn dầu. Giờ đây hồi tưởng lại những ngày ấy, chúng tôi - những sinh viên khoá 1 bỗng thấy lòng mình thanh tịnh, bởi trong khó khăn và thử thách, thầy và trò vẫn phấn đấu "dạy tốt, học tốt", trường vẫn là trường và lớp vẫn là lớp.
Dẫu còn điều này, điều nọ, song chúng tôi không thể không tự hào rằng, chúng tôi xứng đáng là mẻ thép đầu tiên được tôi luyện kỹ càng trong Trường Đại học An ninh, xứng đáng với ngày niềm tin của Đảng, Bác Hồ và lãnh đạo Bộ Công an đã quan tâm chỉ đạo, cũng như sự chăm sóc ân cần của các thầy cô.
Cựu sinh viên D1 dâng hương trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khuôn viên Học viện ANND. Ảnh: PV.
50 năm từ ngôi trường ấy
Năm tháng trôi đi, sau 6 năm học tập và rèn luyện ở Trường Đại học An ninh, niềm vui sướng tột đỉnh của mỗi sinh viên khoá 1 ngày ấy là miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất. Niềm vui đan xen với bao nỗi lo âu và thách thức, bởi hơn lúc nào hết, công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh, đặc biệt là những nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự ở các tỉnh, thành phố miền Nam vừa giải phóng đã đặt ra cho toàn ngành Công an một nhiệm vụ to lớn và nặng nề.
Chúng tôi, những sinh viên vừa tốt nghiệp khóa đại học đầu tiên của ngành, trừ một số người được giữ lại trường hoặc tăng cường cho các cơ sở đào tạo khác của ngành để làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, còn hầu hết được tung đến mọi miền đất nước để tham gia vào trận tuyến đảm bảo an ninh - trật tự, giữ gìn cuộc sống thanh bình của nhân dân. Trong số chúng tôi ngày ấy, có những người đặt chân đến vùng cực Nam của Tổ quốc tham gia các chuyên án chống gián điệp, biệt kích vô cùng ác liệt như CM12, DN9, HM24,v.v...
Cũng do yêu cầu của cuộc sống, nhiều người cũng có mặt ở mọi miền đất nước, chặn đánh địch từ xa trong các chuyên án chống bọn phản cách mạng "chuyển lửa về quê nhà". Dấu chân của chúng tôi cũng in trên dải đất Tây Nguyên hùng vĩ trong cuộc truy quét Fulro, đến với công tác đảm bảo an ninh biên giới ở các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, vùng ven biển phía Nam... Tham gia bóc gỡ và phanh phui những đường dây buôn lậu ma túy xuyên quốc gia, các băng nhóm tội phạm hình sự hung hãn và bạo tàn; các vụ án kinh tế lớn như Tân Trường Sanh, vụ in bạc giả từ nước ngoài tuồn vào Việt Nam; ngăn chặn và truy quét các ổ tệ nạn xã hội, khám phá các vụ trọng án lớn v.v... Và ở mỗi trận tuyến, dường như đều có sự góp phần của các cựu sinh viên lớp D1.
Trải qua nhiều thập kỷ chiến đấu và trưởng thành; được tôi luyện trong thử thách của thực tế, của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trong chiến đấu và xây dựng lực lượng, những sinh viên D1 đã thực sự vươn lên.
Đại đa số các sinh viên D1 luôn giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, vững vàng trong thử thách khó khăn, năng động, sáng tạo trong vận dụng kiến thức vào trong thực tiễn chiến đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cho đến nay, có đến 2/3 các cựu sinh viên D1 trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của Công an các cấp; trong đó có các đồng chí giữ cương vị chủ chốt trong Đảng ủy Công an Trung ương; lãnh đạo Bộ, Đảng ủy và lãnh đạo các Tổng cục, Vụ, Cục, Trường và Công an các địa phương; hàng chục đồng chí được phong hàm cấp tướng.
Chưa hết, do khổ luyện, nhiều người giờ đây cũng trở thành giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo của lực lượng CAND. Những kết quả đó đã chứng minh cho sự đúng đắn của chủ trương mở lớp đại học và hiệu quả công tác đào tạo đại học của lực lượng Công an. Do vậy, dịp kỷ niệm 50 năm ngày hội khoá D1, cũng là dịp để ngành ta nhìn lại 50 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại học trong lực lượng Công an nhân dân.
Nhất là trong những ngày gần đây, dư luận xã hội đang lo lắng về chất lượng giáo dục đào tạo đại học ở nước ta tụt hậu và giảm sút nghiêm trọng thì việc tổng kết 50 năm đào tạo đại học của lực lượng ta có một ý nghĩa rất quan trọng, qua đó nhằm đúc rút những kinh nghiệm, bổ sung hoàn chỉnh mục tiêu, nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, nhằm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội.
50 năm từ ngôi trường ấy, nhiều người trong chúng tôi giờ đây đều đã lên chức ông, bà, nhiều người đã được Nhà nước và Bộ cho nghỉ hưu hoặc chuyển đi nhận công tác khác, song mỗi lần có dịp gặp lại nhau là mỗi lần chúng tôi trào dâng những ký ức, trân trọng và tự hào vì chúng tôi, các cựu sinh viên D1 đã góp phần nhỏ bé của mình vào việc giữ bình yên cho cuộc sống...
Lưu Vinh/KD&PL